Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trong phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về: Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa (Điều 7); các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 27); về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 29)…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết tại khoản 4, Điều 32 dự thảo Luật quy định về người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên và đã xác định tương đối rõ nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích tại Điều 33 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các địa phương có di tích, di sản liên tỉnh đang áp dụng các biện pháp quản lý di sản khác nhau. Địa phương quy định chặt, địa phương nới lỏng hơn về tiêu chí, tiêu chuẩn tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội ở di tích, di sản dẫn đến việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển việc đăng ký từ địa phương này sang địa phương khác để được cơ chế quản lý thuận tiện hơn và di tích, di sản là đối tượng phải chịu những bất cập đó trước tiên. Đại biểu cũng cho rằng việc di chuyển đến nơi dễ dàng được chấp nhận tiêu chí quản lý thấp hơn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan và đảm bảo an ninh, an toàn… Những bất cập này chưa có biện pháp, cơ chế để xử lý.
Vì vậy, tại khoản 4, Điều 32 cần bổ sung thêm một điểm về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích cụ thể của người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích nêu tại Điều 33 của Luật này đối với di tích nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nếu có tác động về kinh tế, xã hội và môi trường đến khu vực bảo vệ nằm trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cùng di tích thì phải có sự đánh giá tác động và thống nhất giữa 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong trường hợp 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thống nhất về biện pháp quản lý, sử dụng di tích thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn thống nhất bảo đảm việc quản lý di tích theo nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nêu tại các khoản 4,6,8 Điều 6 Luật này.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, thực hiện Luật Thủy sản; Luật Biển, Luật Tài nguyên biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển Quốc gia; việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã được quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/02/2021. Trong đó, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý; UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng biển 3 hải lý ngoài 6 hải lý thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, mặt nước, khu vực biển thuộc Di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long là Di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Do đó, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân khai thác. Vì vậy, tại dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới, đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới.
Đối với điểm n, khoản 2, Điều 94 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ VHTTDL là “Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Thay vào đó, nên quy định trong dự luật về trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc rà soát quy định tại Điều 97 về Thanh tra di sản Văn hoá, vì pháp luật về Thanh tra không quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng “kiểm tra”.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, cập nhật kịp thời những nội dung có liên quan của các dự thảo luật đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, để kịp thời đồng bộ, thống nhất khả thi trong dự án luật. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa và hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng trong phiên họp cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; nghe một số nội dung tờ trình và báo cáo quan trọng.