Năm 2025, để đảm bảo hiệu quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trung ương phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm so với năm 2024 để giảm bội chi ngân sách.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2025-2027.
Tổng thu ngân sách đều tăng
Theo Phó Thủ tướng, năm 2024, dự toán thu ngân sách Nhà nước là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá cả năm ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 16,5% GDP dự toán, trong đó từ thuế, phí đạt 13,1% GDP.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, cơ bản ước các lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước đều đạt và vượt dự toán giao.
Trong đó: thu nội địa ước đạt 1.572,7 nghìn tỷ đồng, vượt 8,9% so dự toán; thu từ dầu thô đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, vượt 28,9% so dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15,3% so với dự toán.
Về chi ngân sách Nhà nước, dự toán chi là 2.119,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 59,3%. Ước cả năm đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP.
Về dự toán Nhà nước và phân bổ năm 2025, dự toán là 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách bằng 16% GDP, trong đó dự toán thu nội địa là 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 85% tổng thu, tăng 6,1%.
Mức dự toán nêu trên được đánh giá tích cực trong bối cảnh kinh tế xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức.Dự toán bội chi ngân sách là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công là 36-37% GDP, nợ Chính phủ là 34-35% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Thông tin thêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để triển khai chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng số tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên năm 2024 của cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho nhiệm vụ này.
Hơn nữa, đến hết năm 2024, số kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết được phép chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục thực hiện.
Bên cạnh đó, cho phép các địa phương được sử dụng khoản tiết kiệm chi này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện. Cùng với đó đề nghị Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung này.
Năm 2025, để đảm bảo chi trả tiền lương cho khu vực công, ngoài vốn cân đối từ nguồn ngân sách, nguồn tích lũy tiền lương, ông Phớc kiến nghị bổ sung cân đối dự toán ngân sách địa phương hơn 200.000 tỷ đồng; dự toán hơn 14.000 tỷ đồng cho địa phương, đảm bảo chi.
Theo đó, dự toán bố trí ngân sách cho chi đầu tư phát triển 315.000 tỷ đồng, gồm bố trí 215.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ đầu tư công trung hạn 2021-2025, tăng 70.000 tỷ đồng. Dự toán chi đầu tư phát triển của địa phương là 475.700 tỷ đồng, chi từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết có tăng….
Năm 2025, để đảm bảo hiệu quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trung ương phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm so với năm 2024 để giảm bội chi ngân sách, tăng chi các nhiệm vụ cần thiết phát sinh hoặc tăng chi đầu tư công.
Dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là 828,6 nghìn tỷ đồng, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo phân cấp.
Mức chi ngân sách phù hợp
Thẩm tra báo cáo này, về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng dự báo trong xây dựng dự toán những năm tới.
Về báo cáo ước cả năm 2024 có 11 địa phương không đạt dự toán, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị các địa phương cần tiếp tục phấn đấu tăng thu, cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết sử dụng nguồn dự phòng để bảo đảm hoàn thành dự toán cuối năm về chi ngân sách Nhà nước năm 2024.
Về việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, theo báo cáo của Chính phủ đến nay còn một số khoản chi ngân sách chưa được trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần báo cáo làm rõ nguyên nhân và khẩn trương phân bổ hoặc trình cấp có thẩm quyền phân bổ để bảo đảm khả năng giải ngân và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.
Về tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, bảo đảm giải ngân theo dự kiến, có những biện pháp cụ thể, quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cam kết về tiến độ giải ngân.
Về chi ngân sách, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, mức chi này là phù hợp, nhất là trong điều kiện năm 2024 phải bố trí thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh và phần đảm bảo tăng cường tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 theo quy định./.