Du lịch âm nhạc là sự kết hợp giữa việc thưởng thức sự kiện âm nhạc giải trí với tham quan, nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, nhu cầu thưởng thức âm nhạc kết hợp du lịch trên thế giới ngày càng tăng. Nhiều đơn vị tổ chức sự kiện, lữ hành ở Quảng Ninh cũng đã phối hợp với nhau tổ chức những tour du lịch âm nhạc, bước đầu đem lại thành công nhất định.
Quảng Ninh sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và một nền văn hóa phong phú, đa dạng, có thể kết hợp giữa âm nhạc với nhiều yếu tố khác để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo. Bên cạnh đó, sự thân thiện, hiếu khách của người dân Quảng Ninh, nhịp sống sôi động tại các đô thị cũng là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch âm nhạc. Hiện nay, xu hướng này đang bắt đầu được công chúng đón nhận nhiệt tình, góp phần khơi thông được một dòng khách khá lớn đến với Quảng Ninh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn, du lịch âm nhạc là sản phẩm văn hoá. Và đã là sản phẩm văn hóa thì phải luôn mới, luôn sáng tạo. “Cho nên là tôi nghĩ Quảng Ninh sẽ làm được. Vì sao ư? Vì Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng, trong đó du lịch là một trong những tiềm năng của công nghiệp văn hóa, là loại hình được ưu tiên phát triển và đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế” – bà Liêm phân tích.
Xu hướng du lịch âm nhạc hiện đang được Quảng Ninh nghiên cứu đẩy mạnh. Một số chương trình du lịch kết hợp các buổi biểu diễn quy mô nhỏ đã diễn ra khá thành công, như: Đêm nhạc trên thông, biểu diễn ca nhạc trên du thuyền tham quan Vịnh Hạ Long thường xuyên mời các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có cả những ca sĩ nước ngoài. Quảng Ninh không chỉ tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế, mà còn tổ chức những chương trình biểu diễn của các ca sĩ Quảng Ninh thành danh như: Quang Thọ, Hồ Quỳnh Hương, Đen Vâu… thu hút đông khán giả đến xem, đồng thời trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại điểm đến.
Tuy nhiên, không thể vì lấy số lượng khách du lịch mà phát triển ồ ạt. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và cá nhân vào phát triển du lịch âm nhạc cũng như các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện âm nhạc. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, ở Hạ Long thì chúng ta buộc phải suy nghĩ xem thứ âm nhạc nào mang bản sắc Hạ Long. Âm nhạc vào sẽ tác động hiệu quả hơn đến hoạt động du lịch nhưng phải đưa âm nhạc mang bản sắc Quảng Ninh vào các sản phẩm du lịch. Đó là dân ca Quảng Ninh, là đưa câu chuyện của những ca sĩ, nghệ sĩ Quảng Ninh thành danh. Cũng có thể là của những nơi khác mang về, chúng ta trộn lẫn với nhạc nhẹ, nhạc trẻ cho vui tươi hơn.
Cùng với đó, nên tổ chức thường xuyên những lễ hội âm nhạc có quy mô lớn, chất lượng cao trong khoảng thời gian cố định để hình thành thói quen du lịch âm nhạc. PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho rằng, nên ủng hộ tổ chức festival âm nhạc Quảng Ninh tạo ra cơ hội cho người ta hội ngộ, giao lưu, trao đổi và từ đó sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề hơn nữa. Nếu mình là người đi diễn, mình nhìn người khác diễn thì mình sẽ nhận ra người đó làm hay hơn mình cái gì, chỗ nào đặc sắc hơn để phát huy. Festival âm nhạc luôn mang lại những hiệu quả, hiệu ứng sau đó chứ không chỉ ngay tức thì. Dần dà, người ta sẽ đến du lịch ngay cả vào mùa đông, biết đến Quảng Ninh nhiều hơn. Còn về lâu dài sau đó thì hiệu ứng của festival âm nhạc sẽ lan rộng hơn.
“Quảng Ninh có điều làm tôi rất ngạc nhiên là sinh ra nhiều người con có giọng hát đẹp. Xưa đã có và nay cũng có. Vậy nên chăng, chúng ta đặt ra vấn đề hội ngộ những giọng hát thành danh tại festival âm nhạc tạo dấu ấn Quảng Ninh, tạo sự khích lệ cho bản thân người Quảng Ninh” – bà Liêm đánh giá.