Cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những thửa ruộng bậc thang bắt đầu khoe sắc vàng óng trên các triền núi vùng Đại Dực (Tiên Yên) cũng là thời điểm lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” của đồng bào Sán Chỉ nơi đây được tổ chức.
Ruộng bậc thang ở Tiên Yên được hình thành từ nhiều đời nay. Với diện tích cấy lúa lên tới trên 500ha cùng với kinh nghiệm canh tác, người dân vùng cao Tiên Yên đã cải tạo các vạt đất canh tác lúa thành các chân ruộng bậc thang, tạo thành nét đẹp rất đặc trưng ở các xã Đại Thành, Đại Dực… Đến với mảnh đất vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh những ngày cuối tháng 10, du khách sẽ được thấy tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang uốn lượn và trải dài từ trên đỉnh đồi xuống đến tận thung lũng. Màu vàng của lúa chín, màu trắng của mây, màu xanh của cây rừng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh sinh động. Và có lẽ chẳng gì bằng khi giữa tiết thu với cái nắng vàng hanh hao như rót mật được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng óng và nghe điệu soóng cọ mênh mang của người Sán Chỉ nơi vùng cao.
Cuối tháng 10, khi lúa vàng bắt đầu trổ, khoe sắc vàng óng trên các thửa ruộng bậc thang cũng là thời điểm Lễ hội được tổ chức. Là hoạt động thường niên, Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ Đại Dực luôn có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại, vừa mang vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa mang giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phong tục tập quán đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ trên địa bàn huyện.
Ngợi ca tinh thần cần cù lao động, sáng tạo và giáo dục truyền thống của cha ông, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của người Sán Chỉ, Lễ hội cũng là dịp để đồng bào Sán Chỉ nói riêng, đồng bào các dân tộc trong huyện và các vùng lân cận nói chung, tụ hội về đây giao lưu văn hóa. Tái hiện lại những nét tín ngưỡng, tập quán dân tộc Sán Chỉ, nghi thức “Lễ cầu mùa” như một lời tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, ngô lúa được mùa, bản làng thanh bình, nhà nhà no ấm…
Chuỗi hoạt động lễ hội được kéo dài trong không khí sôi động của những môn thi đấu thể thao dân tộc. Tại một số điểm check-in mùa vàng, rất nhiều sạp tre và điểm ngắm mùa vàng thôn Khe Ngàn, Khe Lặc được cải tạo, làm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách chiêm ngưỡng sóng lúa như những dải lụa vàng óng mềm mại giữa không gian bao la.
Không gian lễ hội đã thực sự mở ra trước mắt du khách những trải nghiệm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao. Những gương mặt hồ hởi và những ánh mắt lấp lánh niềm vui… Tiếng hò reo cổ vũ người chơi tham gia vào những trò chơi tập thể mang đậm văn hóa cộng đồng như kéo co, đẩy gậy… Và trên những thửa ruộng bậc thang xa xa, lúa cũng đang thì thầm hát reo, hân hoan với bà con trong ngày hội. Bởi một mùa vàng no ấm đã đến, và cũng chính mùa vàng ấy đã mang tới cho Đại Dực những tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế và nâng cao đời sống bà con.
Đại Dực của hôm nay không chỉ còn là làng bản, nơi người Sán Chỉ đời đời sinh cơ lập nghiệp mà đang dần trở thành miền đất không thể bỏ qua trong hành trình khám phá du lịch vùng Đông Bắc. Mang trong mình tiềm năng về cảnh quan và những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có, cùng với việc định hình phát triển du lịch cộng đồng, Đại Dực đang dần trở thành điểm đến ấn tượng trong lòng du khách.
Từ hiệu quả của những bước đi đầu tiên, mới đây xã Đại Dực được huyện Tiên Yên lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Tại khu Nà Mó, thôn Khe Lục, căn nhà gạch đất đầu tiên của xã mới được phục dựng làm homestay để đón khách du lịch. Homestay nơi đây vẫn giữ nguyên những nét truyền thống của nhà sàn Sán Chỉ, sàn gỗ, xung quanh đắp gạch đất, mái lợp ngói âm dương. Phía trước hai bên cửa chính được làm bổ sung hai chái nhỏ để nông cụ. Tường rào sân, vườn nhà được kê xếp đá mà không cần vữa xây, trát. Những ngôi nhà đều có 5 phòng ngủ với sức chứa 18 người, ngoài ra còn sân rộng là nơi giao lưu biểu diễn hát Soóng Cọ, múa Tắc Xình, đánh quay…
Theo ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, hiện xã tuyên truyền, động viên nhân dân cải tạo nhà truyền thống của người Sán Chỉ thành những homestay trên cơ sở giữ nguyên những đặc trưng văn hóa để thu hút khách du lịch. Ngoài du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng định hướng khôi phục những lễ hội, nghi lễ truyền thống như lễ cầu mùa hay những sinh hoạt cộng đồng như hát soóng cọ, thể thao dân tộc nhằm tạo nên những điểm nhấn về văn hóa khi đặt trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của Đại Dực sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng của vùng đất này, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Qua tìm hiểu được biết, du lịch vùng cao Đại Dực đã được địa phương đưa vào Đề án tổng thể hoàn thiện hạ tầng, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch trên cơ sở kết nối với các địa phương biên giới như Bình Liêu, Ba Chẽ để khai thác, kết hợp và thúc đẩy phát triển du lịch nơi đây. Điều này đang mở ra một “cánh cửa” cho du lịch Đại Dực được biết tới rộng rãi hơn, có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.