Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão được coi như một thảm hoạ, gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản đối với Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc nói chung.
Tại huyện Ba Chẽ, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, ngoài hàng loạt các công trình phục vụ dân sinh, nhà cửa của người dân bị thiệt hại, thì trên14.650ha cây lâm nghiệp, trong đó, 14.500ha bị gãy đổ hoàn toàn và điều đáng lưu tâm khoảng trên 10.000ha diện tích cây keo từ 2 đến 6 tuổi của người dân. Trong khi, từ lâu nay bà con đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng, cây keo là chủ đạo.
Giống bao gia đình khác trong thôn, trong xã, gia đình anh Triệu A Phúc, thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, có 5ha keo và nếu bình thường, sau 5 năm hoặc 6 năm, mỗi ha keo của gia đình anh chắc chắn sẽ bán được từ 60-80 triệu đồng. Và như vậy, 5ha keo sẽ cho gia đình anh Phúc thu về từ 300-400 triệu đồng, tuy nhiên, với sức gió mạnh, quần thảo liên tục trong hơn 6 tiếng đồng hồ của cơn bão số 3 Yagi vừa qua, toàn bộ rừng keo đang thời kỳ phát triển tốt của gia đình anh Phúc đã hoàn toàn đổ gãy. Anh Phúc cho biết: Số tiền đầu tư ban đầu cho mỗi ha keo dao động từ 20-30 triệu đồng, đối với người dân vùng đồng bào ở các thôn trên địa bàn xã Đồn Đạc nói chung, gia đình tôi nói riêng là một cố gắng rất lớn, nhưng giờ đây không chỉ mất đi số tiền chắt chiu đầu tư ban đầu cho việc trồng 5ha keo, mà còn cả bao công sức với hy vọng sau vài năm nữa số tiền khi thu hoạch từ rừng keo để xây một căn nhà kiên cố hơn, to hơn, đẹp hơn. Thì nay, biết bao giờ mới xây được nhà.
Anh Triệu A Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) cho biết: Thôn có tổng số hơn 400ha keo, thì trên 71% số diện tích rừng keo gãy đỗ mới trồng được 2-3 năm tuổi, nên các doanh nghiệp không thu mua. Hiện đã qua bão được hơn 1 tháng rồi, các khu rừng keo của người dân vẫn còn ngổn ngang, để đầu tư trồng lại trong lúc này đối với người dân là hết sức khó khăn, nên người dân mong muốn sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện về nguồn vốn.
Những khó khăn sau sự tàn phá của cơn bão số 3 đã và đang hiện hữu đối với người dân của huyện Ba Chẽ, nhất là đối với người dân có các khu rừng mới trồng vào đúng luồng gió của cơn bão. Vì vậy, để giúp người dân vượt lên khắc phục mọi khó khăn, tại kỳ họp lần thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, nhiều quyết sách quan trọng nhằm khẩn trương khôi phục, tái thiết kinh tế – xã hội sau bão số 3 như hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh…
Niềm tin của người dân được thể hiện thông qua những hành động và việc làm cụ thể. Ngay sau cơn bão, huyện Ba Chẽ kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, giúp người dân khôi phục sản xuất, tiến hành rà soát các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất. Đồng thời phân công và gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ông Bùi Xuân Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách, Ban QLDA đầu tư, xây dựng huyện Ba Chẽ cho biết: Hiện chúng tôi đang triển khai thi công ngầm Tài Lò, xã Đồn Đạc, còn cầu treo dân sinh Khe Pụt, xã Thanh Sơn và cầu treo Làng Lốc, xã Thanh Lâm, huyện đã có văn bản và đang chờ quyết định phê duyệt của tỉnh. Sau khi được tỉnh phê duyệt, huyện sẽ triển khai ngay, vì thực tế cây cầu treo Làng Lốc, xã Thanh Lâm, không chỉ phục vụ đi lại và phát triển sản xuất của người dân, mà từ khi cây cầu bị bão đánh sập hoàn toàn, các em học sinh, nhất là cấp tiểu học và mầm non, phải đi hàng chục cây, còn không nếu đi bằng bè mảng qua suối thì chỉ mất 15 phút là đến trường nhưng sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tai nạn khó lường.
Thiết nghĩ rằng, với tổng thiệt hại về nông nghiệp và hạ tầng do cơn bão số 3 gây ra khoảng gần 800 tỷ đồng, thì đây là số tiền khá lớn đối với điều kiện thực tế của huyện hiện tại, vậy nên để giúp Ba Chẽ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, rất cần sự quan tâm kịp thời của tỉnh về nguồn lực kinh tế và cơ chế chính sách.