9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân tại Quảng Ninh chưa đạt như kỳ vọng. Hơn 2 tháng cuối năm là thời hạn niên độ giải ngân năm sẽ kết thúc, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của tỉnh, Quảng Ninh đang dồn lực cho công tác này.
Khởi động cho kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2024, Quảng Ninh đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động gắn với chủ đề công tác năm của tỉnh; kiện toàn và vận hành các Tổ công tác thúc đẩy giải ngân…, tuy nhiên, hết 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 32,2% kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (40,3%).
Nguyên nhân được xác định là do bối cảnh chung của cả nước khi đây là năm một số bộ luật, đặc biệt là Luật Đất đai có hiệu lực, tuy nhiên các nghị định hướng dẫn luật còn chậm, chưa đồng bộ, đã ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của một số dự án. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư tập trung vào việc thực hiện công tác thanh toán, quyết toán, giải ngân vốn còn lại của năm 2023 được kéo dài sang năm 2024. Vì thế, giai đoạn những tháng đầu năm chủ yếu cho công tác tập trung hoàn trả số dư tạm ứng. Một số dự án trọng điểm gặp nhiều khó khăn khi thiếu nguyên vật liệu là đất, cát đắp, bãi đổ thải dẫn đến tiến độ thực hiện chậm.
Thêm nữa, tác động của cơn bão số 3, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ các dự án nói chung, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp thuộc lĩnh vực giao thông. Trong cả tháng 9 vừa qua, chủ yếu tập trung cho công tác khắc phục hậu quả của cơn bão khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh chưa được như mong muốn. Còn nhiều địa phương do nguồn thu tiền sử dụng đất không đảm bảo kế hoạch đề ra nên chưa có nguồn để giải ngân…
Trong bối cảnh đó, thực hiện Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân; xác định nhiệm vụ giải ngân là động lực cho phát triển các ngành kinh tế, góp phần đóng góp cho tăng trưởng… bước vào những tháng cuối cùng của năm, Quảng Ninh đang rất nỗ lực, vừa tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, vừa quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân với mục tiêu phấn đấu hết năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch.
Để đảm bảo mục tiêu này, UBND tỉnh đang yêu cầu các đơn vị, địa phương dồn lực cho công tác giải ngân. Đặc biệt phải vận hành hiệu quả các tổ công tác, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Tiến hành rà soát hiện trạng, đánh giá tác động, thiệt hại của bão số 3 đối với các dự án. Từ đó, đề xuất phương án sửa chữa, khắc phục, nhanh chóng ổn định về nhân công, vật tư, máy móc, khẩn trương khôi phục lại thi công các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn bị ảnh hưởng của bão.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các chủ đầu tư, yêu cầu các nhà thầu nâng cao năng lực cả về trang thiết bị và nhân lực tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh thi công, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện..
Song song với đó, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên nhằm phục vụ các dự án đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất…, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án, rà soát kỹ lưỡng chất lượng trước khi trình cơ quan thẩm định nhằm giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, phải tuân thủ tuyệt đối theo đúng quy định của pháp luật, không chấp nhận các nhà thầu yếu kém, không đảm bảo năng lực; phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trong kế hoạch năm 2024.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đẩy nhanh tiến độ tất toán, quyết toán, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở từng cấp ngân sách, chỉ triển khai dự án khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, không để kéo dài sang giai đoạn tiếp theo…