Cùng với các hoạt động tái thiết, phục hồi sau bão số 3, trong dịp cuối năm, nhu cầu hàng hoá có xu hướng gia tăng. Do đó, việc đảm bảo thị trường hàng hoá tiêu dùng, nhất là lương thực, thực phẩm, luôn dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bất thường, được các ngành, đơn vị cung ứng trong tỉnh chủ động triển khai.
Vân Đồn là địa phương bị thiệt hại nặng nề về ngành NTTS sau bão số 3. Từ một vùng nuôi trồng lớn, nay gần như “trắng biển”. Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, huyện tích cực thực hiện giao biển cho người sản xuất. Tới nay, đã bàn giao 5.500ha khu vực biển NTTS cho 57 hợp tác xã, tổng số 912 thành viên, với tổng diện tích 5.500ha khu vực biển nuôi trồng, tăng 42% so với trước bão. Các hộ dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000ha, xuống giống mới được 200ha. Đối với nuôi cá, đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% so với trước bão.
Ông Phạm Văn Đông, một hộ nuôi cá lồng bè tại khu Hòn Béo Cò, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), cho biết: Sau khi nhận bàn giao biển, gia đình tôi nhanh chóng thực hiện nuôi trồng, chăm sóc để vừa là phát triển lại kinh tế gia đình, vừa là đảm bảo nguồn cung hải sản trên địa bàn tỉnh.
Không riêng Vân Đồn, hiện, ngành Nông nghiệp tích cực chỉ đạo và hỗ trợ người nông dân toàn tỉnh quay trở lại sản xuất nông nghiệp sau bão, trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, NTTS. Các địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nhằm khôi phục sản xuất kinh tế cho người dân, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,97% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình ổn. Do chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, giá cả hàng hóa có biến động tăng nhẹ nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân, toàn tỉnh không có hiện tượng đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, lợi dụng tình hình khó khăn để gây bất ổn thị trường.
Bên cạnh việc khôi phục sản xuất ngay sau bão, để đảm bảo hàng hoá tiêu dùng trong dịp cuối năm, nhất là đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm, thì việc đảm bảo nguồn cung hàng hoá trên thị trường cũng đã được các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị cung ứng lớn chủ động có các giải pháp tính toán.
Quảng Ninh là địa phương nhập tới 60% lương thực, thực phẩm từ các tỉnh ngoài, trong khi cơn bão số 3 vừa qua cũng khiến ngành sản xuất nông nghiệp từ nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, các đơn vị cũng đã lên phương án tìm kiếm thêm những nhà sản xuất mới, mở rộng thị trường cung ứng không chỉ trong nội địa, mà còn cả thị trường nhập khẩu nếu như cần thiết. Về cơ sở vật chất, các đơn vị cũng chủ động điều kiện dự trữ hàng hoá, đặc biệt là các kho lạnh phục vụ lưu trữ các thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ quả.
Đại diện Siêu thị Go! Hạ Long, cho biết, đơn vị đã có phương án chủ động nguồn hàng từ sớm với rất nhiều mặt hàng phong phú phục vụ người dân. Từ nay đến hết năm và thời điểm Tết Nguyên đán, đơn vị tiếp tục bổ sung hàng hóa để đảm bảo được lượng mua sắm của người dân, không để tình trạng khan hiếm hoặc hết hàng xảy ra trong hệ thống.
Để đảm bảo ổn định cho nguồn hàng hóa tiêu dùng cuối năm, Sở Công Thương cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu trong dịp cuối năm cũng như phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
Cùng với đó, ngành Công thương và lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chủ động tăng cường công tác giám sát, quản lý thị trường về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, diễn biến giá cả thị trường; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của thiên tai để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán vì mục đích thu lời bất chính; bán hàng kém chất lượng hoặc bán hàng hết hạn sử dụng ra thị trường theo quy định của pháp luật.