Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác “Có một chuyện tình”, lấy cảm hứng từ mối tình tay ba trong phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Êkíp giới thiệu MV lyric của ca khúc nhạc phim, lồng ghép hình ảnh các nhân vật thời niên thiếu lẫn trưởng thành. Ca khúc thuộc thể loại pop ballad, âm hưởng tự sự với tiếng đàn piano chủ đạo. Phan Mạnh Quỳnh lấy ý tưởng viết nhạc phẩm từ cốt truyện, khắc họa dòng cảm xúc của Vinh, Phúc, Miền ở năm 17 tuổi, khi “tim chới với, rung động tươi mới trước tiếng yêu không ngờ”, đến lúc 25 tuổi, “niềm đau hay hạnh phúc lấp lánh nơi đáy mắt”.
Ngoài hát nhạc phim, ca sĩ còn đảm nhận vai nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có phân cảnh giới thiệu cuốn sách cùng một số nhân vật. Khi được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ngỏ lời mời, anh liền đồng ý vì xem cây bút xứ Quảng là thần tượng. Phan Mạnh Quỳnh xem nhiều video phỏng vấn của nhà văn, tìm hiểu tính cách để khắc họa chân dung ông. Anh đồng cảm với Nguyễn Nhật Ánh bởi tính ít nói, hướng nội trước đám đông, do đó dễ dàng nhập vai.
Phan Mạnh Quỳnh, 34 tuổi, quê Nghệ An, được công chúng biết đến qua nhiều ca khúc Vợ người ta, Có chàng trai viết lên cây, Từ đó, Hồi ức, Nhạt. Ở mảng nhạc phim, anh thành công với các dự án điện ảnh Chị trợ lý của anh, Người bất tử, Bố già. Năm 2021, Sao cha không – nhạc phim anh thể hiện trong Bố già của Trấn Thành – gây tiếng vang, đạt gần 30 triệu lượt nghe trên YouTube. Sau lời từ khước – ca khúc trong phim Mai của cùng đạo diễn, ra mắt dịp Tết Giáp Thìn – thu hút hơn 40 triệu lượt nghe.
Phim xoay quanh Vinh (Avin Lu), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Phúc Hoàng) – nhóm bạn thân gắn bó suốt thời niên thiếu thập niên 1990 ở quê nghèo Phú Yên. Lớn lên, Vinh lẫn Phúc cùng rung động trước Miền, mối tình tay ba là mấu chốt dẫn đến biến cố cuộc đời các nhân vật chính.
Truyện Ngày xưa có một chuyện tình phát hành năm 2016, từng bán hơn 100.000 bản, lọt vào top 10 tác phẩm best-seller của Nguyễn Nhật Ánh. So với nhiều sách cùng đề tài như Mắt biếc, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, nhà văn đi vào các tình tiết khốc liệt hơn. Những vụng dại đầu đời được phát triển thành yêu đương sâu sắc, trong đó có việc “ăn cơm trước kẻng”. Nhà xuất bản ban đầu dự tính gắn mác 16+ cho truyện, sau đó quyết định không giới hạn độ tuổi vì nhận định tác phẩm mang tính giáo dục cao.