Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 16 công trình hồ đập; 57 cầu/đập tràn phân bố ở 7 xã; 42,406km đê (đê cấp IV 5,3km; đê cấp V 37,106km). Theo thống kê của huyện, bão số 3 đã làm 14 công trình đập dâng nước thủy lợi bị hư hỏng nặng; 60 tuyến kênh mương bị hư hại, sập đổ; 12 công trình cầu tràn cống bị hư hỏng. Để chủ động trước các diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay sau bão huyện đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, hồ chứa nước, đập tràn trên địa bàn; đưa ra các phương án sửa chữa các công trình hư hại có nguy cơ sạt trượt để đảm bảo an toàn cho người dân, hoa màu, cơ sở sản xuất…
Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Chủ động khắc phục thiệt hại, phòng ngừa trước các diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện yêu cầu các phòng, ban chuyên môn nhanh chóng xử lý những điểm đê, hồ chứa nước xung yếu… Chúng tôi đang sửa chữa, dọn dẹp các điểm có thể gây ngập úng khi mưa lũ tràn về để không ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân”.
Thời gian tới huyện xác định công tác chỉ đạo chuẩn bị, ứng phó, khắc phục trước diễn biến của thời tiết phải khẩn trương, đồng thời tập trung, chủ động. Các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng nhuần nhuyễn, linh hoạt, toàn diện, đạt kết quả thiết thực.
Chủ động phòng chống, thiên tai từ sớm, từ xa, theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”; phòng từ khi chưa có nguy, áp dụng các biện pháp phòng tăng 1 cấp so dự báo; luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống.
Để đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ chứa nước, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác diễn tập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với sự cố hồ đập để hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa, lũ bất thường.
Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với sự cố mất an toàn hồ đập. Khuyến khích các hộ dân di dời nhà cửa nằm trong vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Huyện xác định các tuyến thoát lũ, dự kiến các điểm có nguy cơ ngập lụt cao, các khu vực phải sơ tán người và tài sản, đường ứng cứu, đường sơ tán và phương tiện trợ giúp sơ tán hiệu quả, nhanh chóng nhất.