Bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi nhiều địa phương trong tỉnh. Để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi phát triển ổn định sau bão lũ, nhanh chóng tái đàn, cung ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm; phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), về nội dung này.
– Bà cho biết những thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với ngành chăn nuôi của tỉnh? + Theo thống kê chưa cụ thể của các địa phương, bão số 3 đã làm chết trên 400.000 con gia súc, gia cầm; nhiều nhất là ở Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Tiên Yên. Nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường; chuồng nuôi bị ngập lụt; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chi cục đã phân công cán bộ đến các địa phương bị ảnh hưởng, phối hợp với chính quyền cấp xã, đơn vị chuyên môn đến tận các cơ sở, hộ chăn nuôi, hướng dẫn bà con khắc phục, cải tạo lại chuồng trại và môi trường chăn nuôi, nhất là công tác khử trùng tiêu độc, dọn dẹp, khử trùng, rắc vôi bột; kiểm tra tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm, hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ tăng sức đề kháng, vắc-xin phòng bệnh. Chi cục hướng dẫn các địa phương căn cứ theo Hướng dẫn số 2160/SNNPTNT-STC ngày 6/7/2017 của liên Sở NN&PTNT – Tài chính hướng dẫn một số nội dung hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh; thực hiện kiểm đếm, xác minh chính xác số gia súc, gia cầm thiệt hại, hướng dẫn người chăn nuôi cung cấp các giấy tờ liên quan, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại, sớm nhận tiền hỗ trợ để tái đàn… Công tác hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại đang được ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn để nhân dân yên tâm tái đàn.
|
– Vậy các biện pháp xử lý cũng như công tác quản lý và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi?
+ Trước tiên, các hộ chăn nuôi cần dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Đây là việc làm cấp bách cần thực hiện ngay sau khi kết thúc mưa bão để tiêu diệt mầm bệnh. Vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh chuồng trại, thu gom và xử lý xác động vật chết (nếu có) bằng hình thức chôn hoặc đốt để giảm lây lan dịch bệnh hoặc ô nhiễm môi trường. Vệ sinh nguồn nước phục vụ chăn nuôi; đối với các vùng chưa có nhà máy cấp nước, phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối, nước giếng, thì cần phải xử lý nước trước khi sử dụng theo các bước sau:
Vệ sinh giếng nước cần múc cạn nước giếng tồn đọng và nạo vét bùn cặn, nếu không thể tháo vét được thì áp dụng biện pháp xử lý tạm thời, múc nước đựng vào các bể chứa tạm thời, đánh phèn làm trong nước rồi khử trùng. Làm trong nước: Sử dụng phèn chua, trường hợp không có phèn chua có thể thay thế bằng vải lọc (cần chú ý lọc nhiều lần để nước trong và thay vải khi nhiều cặn trên vải).
Tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm ở những khu vực bị ô nhiễm chưa được xử lý vệ sinh; không để gia súc, gia cầm uống nước giếng, ao, hồ… bị nhiễm bẩn. Đồng thời rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt… Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay đến cơ quan chuyên môn, thú y để phối hợp xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra môi trường.
– Để khôi phục đàn vật nuôi, thời gian tới cần tập trung các giải pháp như thế nào?
+ Sau mưa bão là nguy cơ dịch bệnh, vì các loại mầm bệnh tồn tại trong môi trường và đàn vật nuôi rất nhiều, có khả năng sẽ phát tán và lây lan. Do vậy để nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định sinh kế cho người dân, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi chỉ tái đàn vật nuôi khi khi đã gia cố xong chuồng trại, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi đầy đủ, khu vực chăn nuôi đã được vệ sinh đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định.
Bên cạnh đó đảm bảo đủ nguồn cung cấp thức ăn, nước uống, chất độn chuồng, khử trừng tiêu độc, các loại chế phẩm vắc-xin, men tiêu hóa, khoáng chất, men vi sinh… khi cần. Kiểm tra lại thức ăn sau bão lũ, thời tiết ẩm thấp, mưa dột làm thức ăn hay bị ẩm mốc, cần phải loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho vật nuôi sử dụng.
– Xin cảm ơn bà!