PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, cận đại. Với vùng đất An Bang xưa (Quảng Ninh hiện nay) được ông để tâm nghiên cứu rất nhiều, nhất là về mảng du ký, những sáng tác văn chương về Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm. Nhân chuyến công tác mới đây của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn tại Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông.
– Thưa PGS, cùng với Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn Kiếp Bạc thì Yên Tử là hợp phần của bộ hồ sơ đã được trình UNESCO. Là một người sinh ra ở dưới chân Yên Tử, ông hiểu như thế nào về thiền phái Phật giáo này?
+ Trúc Lâm Yên Tử là một thiền phái nội sinh trong lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam. Trong khi những thiền phái Phật giáo có ở thời Lý đều là ngoại lai. Đến Trần Nhân Tông, với Thiền phái Trúc Lâm rõ ràng là một Phật phái bản địa, là văn hoá nội sinh chưng cất được sức phát triển Phật giáo suốt từ thời Lý.
Ở góc độ tư tưởng triết lý và tín ngưỡng tôn giáo là hai thành quả lớn mà thiền phái Trúc Lâm mang lại cho Phật giáo Việt Nam hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bao gồm trong hai giá trị lớn: Lý tưởng và thực tế.
Trần Nhân Tông mở ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên cơ sở những nhận thức thu được từ ông của mình (Trần Thái Tông) và cha của mình (Trần Thánh Tông). Từ đó, ông đã đẩy lên thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nghĩ đến những đặc trưng cơ bản trước hết là tinh thần nhập cuộc, hòa quang đồng trần, tính chất nhập thế. Phật giáo mà lại nhập thế gắn với quốc gia, với dân tộc và gắn ngay với bản thân mình, ý thức, con người mình, tâm thế của mình với đời sống xã hội cho nên Trần Nhân Tông luôn nói về ý thức, đời sống, cuộc sống tu hành nhưng không xa thế gian.
Tinh thần nhập thế Phật giáo thời Trần ra đời xuất phát từ hiện thực con người chỉ cần “lòng lặng mà biết”, nó đã tích cực tác động chi phối toàn bộ lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại Việt. Mọi người đều có thể thành Phật ngay giữa cuộc đời, bất luận là tu sĩ xuất gia, hay tại gia, nam hay nữ chỉ cần sống thiện, sống tốt là được. Điều đó cũng có nghĩa, nó cũng có ảnh hưởng tương tác với lịch sử tư tưởng dân tộc từ đó trở về sau.
– Thưa PGS, trong văn học trung đại viết về Quảng Ninh, cũng không thể không kể đến Phật hoàng Trần Nhân Tông…
+ Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và còn là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm. Ông để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời. Trong thời điểm vận nước vào lúc nguy nan, ông đã cho khắc câu thơ: “Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ – Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân” (Cối Kê cựu sự quân tu ký – Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh) vào thuyền ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin vào ngày chiến thắng. Trở về Chiêu Lăng làm lễ dâng thắng trận, ông viết hai câu thơ nổi tiếng, thể hiện niềm tự hào và khẳng định sức mạnh dân tộc: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá – Non sông ngàn thuở vững âu vàng” (Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu)…
Về sự nghiệp sáng tác, Trần Nhân Tông còn để lại trên 30 tác phẩm, trong đó có các bài tán, minh, thơ chữ Hán và hai bài phú chữ Nôm. Các sáng tác của Trần Nhân Tông trải rộng diện đề tài từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự buồn vui đời thường, từ vận mệnh quốc gia đến nỗi niềm người khuê phụ, từ lối thơ xướng họa đến tức sự, từ thơ bang giao đến vịnh cảnh non sông tươi đẹp, từ tiếng nói bậc đế vương đến sâu thẳm chất thiền… Chỉ đọc nhan đề các bài thơ cũng thấy bước chân ông đã đi qua nhiều miền xứ sở, từ miền quê Thiên Trường (Nam Định) đến động Vũ Lâm (Ninh Bình), hương Cổ Châu, chùa Thần Quang (Bắc Ninh), Châu Lạng (Bắc Giang), từ một cuộc Tây chinh đến Yên Tử (Quảng Ninh)… Ông vui với một nhành mai, bâng khuâng trong một sớm mùa xuân, một chiều trước cánh đồng làng, một ngày thu nơi non cao chùa vắng, một sự hòa nhập nội tâm trong cõi thiền trầm tư sâu lắng.
Đặc biệt với hai tác phẩm phú ở cõi trần vui đạo (Cư trần lạc đạo phú) và bài ca được thú lâm tuyền thành đạo (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca), Trần Nhân Tông đã trở thành một trong những thi nhân Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ ca, khơi mở cho dòng thơ Quốc âm của dân tộc phát triển mạnh mẽ trong suốt các giai đoạn sau này. Danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông là mẫu hình tác gia hoàng đế – thiền sư – thi sĩ tiêu biểu cho cả một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
– Sang thế kỷ XX, các tác giả quan tâm viết về Yên Tử như thế nào thưa PGS?
+ Miền non cao Yên Tử gắn với thiền phái Trúc Lâm đã xuất hiện trong thơ ca chí ít từ thế kỷ XIII và nối dài qua suốt thời trung đại và hiện đại. Bước sang thế kỷ XX, nhiều tác giả như Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu, Vũ Ngọc Lâm, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tuân… đã có bài viết theo thể tài du ký ghi chép về những chuyến du ngoạn Yên Tử, phác vẽ hiện thực cuộc sống người dân bản địa và cảnh quan thiên nhiên non thiêng đất Phật.
Một thời giao thông còn khó khăn, đường lên Yên Tử chủ yếu là lối mòn, quanh co trèo đèo vượt suối, thường phải mất cả tuần. Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu kể lại trong du ký “Hành trình chơi núi An Tử” (in trên Nam phong Tạp chí, 1926), trải qua sáu ngày du ngoạn Yên Tử (đương thời viết là An Tử). Bài du ký thực sự hàm chứa nhiều tư liệu văn hóa vật thể và cả phi vật thể. Nói riêng về đặc điểm hỗn dung thể loại và tàng trữ giá trị thi ca thì bài du ký Hành trình chơi núi An Tử đã có chứa đôi câu ca dao cổ, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, thơ Nôm Đường luật của đức Giác hoàng Trần Nhân Tông, thơ chữ Hán và thơ Nôm sư ông trụ trì chùa Hoa Yên, thơ lục bát, tứ tuyệt và câu đối của người trong đoàn.
10 năm sau, trong một bài viết có nhan đề tương tự, Vũ Ngọc Lâm (người Kiến An, Hải Phòng) với “Hành trình đi núi Yên Tử” (in trên tạp chí Đuốc tuệ, 1935) kể về chuyến du ngoạn gồm 11 người. Đặc biệt trong số các tác giả viết về Yên Tử có Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật là Thư ký Ban Khảo cứu và giảng diễn Phật học và Thư ký Ban Biên tập tạp chí Đuốc tuệ có ba mục bài. Bài thứ nhất là “Chùa Hồ Thiên (1936)”, bài thứ hai “Luận về di tích chùa Quỳnh (1938)”, và bài thứ ba cũng là cuối cùng “Bài ca vãn cảnh chùa Hồ Thiên (1938)”.
Nhà văn Nguyễn Tuân sau đó có bài du ký “Khói thuốc trên dãy núi Yên Tử” in trên báo Trung Bắc Chủ nhật (1940). Như vậy, ngay cả với thiên phóng sự giàu chất liệu hiện thực, giàu âm hưởng phê phán thì vẫn thấy sáng lên tình yêu thiên nhiên, niềm tin vào những giá trị tinh thần và bản chất tâm linh Phật giáo vùng non thiêng Yên Tử…
– Theo PGS, lý do tại sao mà số lượng những tác phẩm du ký viết về Quảng Ninh lại phong phú như vậy?
+ Bởi vì Quảng Ninh là vùng đất có nhiều thắng cảnh, nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Trong suốt thời trung đại, cha ông ta đã có nhiều bài thơ đề vịnh miền thắng địa này của Quảng Ninh. Bước sang thế kỷ XX, nhiều tác giả đã có bài viết theo thể tài du ký ghi chép qua các chuyến du lịch Quảng Ninh, phác họa được nhiều cảnh quan và thực trạng đời sống kinh tế – xã hội một thời…
Thực tế cho thấy, du ký Quảng Ninh từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX phần lớn là thơ. Còn nếu chỉ xét mảng du ký từ đầu thế kỷ XX thì lại chủ yếu là văn. Theo những gì tôi sưu tầm được thì về số lượng Quảng Ninh chỉ xếp sau Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Và nếu cộng gộp hai giai đoạn trước và sau thế kỷ XX lại thì số lượng cũng tương đối nhiều. Tất nhiên, tôi chỉ quan tâm đến mảng du ký người bên ngoài viết về vùng đất Quảng Ninh mà chưa đề cập đến người Quảng Ninh viết về vùng đất của mình. Nếu tính cả mảng này thì còn nhiều nữa…
– Thưa PGS, hôm nay đọc lại những trang du ký đầu thế kỷ trước cảm xúc của ông thế nào?
+ Trăm năm là một quá khứ gần. Ngày nay đọc lại du ký về vùng đất Phật tâm linh thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử giai đoạn nửa đầu thế kỷ càng bâng khuâng trong cảnh sắc và con đường về cõi Phật, sự hòa hợp tình người với cảnh quan thiên nhiên Phật, đất trời non cao Yên Tử… Người xưa nói “Nhân giả lạc sơn” (Bậc đức nhân vui với núi). Kiểu tâm thức ấy hẳn được thỏa mãn khi chúng ta tìm về chốn tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm gắn với non thiêng Yên Tử, biểu tượng của đời sống tâm linh Phật giáo cũng như vẻ đẹp kỳ thú non sông đất nước.
– Cảm ơn PGS về cuộc phỏng vấn này!