Tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh, bảo vệ quyền lợi du khách… là cách làm mà nhiều địa phương và ngành du lịch Quảng Ninh đang đẩy mạnh, nhằm bảo vệ quyền lợi du khách, tạo môi trường du lịch văn minh, chuyên nghiệp.
Theo báo cáo của Phòng VHTT TX Đông Triều, 9 tháng đầu năm, thị xã đã đón trên 1,1 triệu lượt khách, vượt trên 166.000 lượt so với chỉ tiêu. Thị xã đã sớm quan tâm thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của du khách. Trong đó, giao hẳn một phó Phòng VHTT phụ trách và phối hợp xử lý các thông tin phản ánh của du khách; cung cấp thông tin, kết nối các phòng ban, địa phương để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ du khách.
Ở một số địa phương, việc tương tác, tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh, bảo vệ quyền lợi du khách đã trở thành nếp. “9 tháng đầu năm, du lịch Cô Tô đã đón trên 302.000 lượt khách, vượt kế hoạch đề ra. Sức hút cũng kéo theo sự quá tải. Vì thế, chúng tôi quan tâm tăng cường tương tác với du khách và việc này đã trở thành thói quen, được người dân, du khách và doanh nghiệp đánh giá cao” – ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VHTT&DL Cô Tô chia sẻ.
Theo đó, cùng với đường dây nóng, lãnh đạo huyện, ông Linh thường xuyên tham gia hội nhóm mạng xã hội về du lịch Cô Tô để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh. Trung bình cao điểm du lịch hè, Cô Tô tiếp nhận 20-30 cuộc gọi đường dây nóng cùng nhiều phản ánh qua zalo, facebook… Các phản ánh này sẽ được Phòng VHTT&DL gửi về các địa phương xử lý theo địa bàn. Các sự vụ “nóng” sẽ được tổ liên ngành kiểm tra, xử lý ngay. Ngoài các chế tài, huyện Cô Tô ưu tiên việc tương tác, đối thoại giải quyết ổn thỏa các vấn đề, quyền lợi của du khách. Điều này vừa bảo vệ được quyền lợi du khách, vừa góp phần chấn chỉnh dịch vụ, được các doanh nghiệp hưởng ứng.
Không chỉ Cô Tô, Đông Triều, lực lượng chức năng TP Hạ Long, Sở Du lịch cũng tăng cường tương tác qua nhiều kênh, kiên quyết xử lý khi phát hiện có vi phạm. Trong đó, đặc biệt là những vi phạm dịch vụ kém chất lượng, giá cả chưa hợp lý; xe taxi dù, xe điện chèo kéo; tình trạng tăng giá, bớt xén dịch vụ, “chặt chém”, “cò mồi”, nâng ép giá, chưa minh bạch công khai giá, thái độ ứng xử kém với du khách…
TP Hạ Long yêu cầu các phường, xã tăng cường quản lý địa bàn từ xa, từ sớm và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Sở Du lịch cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động du lịch; môi trường kinh doanh du lịch; thường trực đường dây nóng du lịch tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh. Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, đã giải đáp, hỗ trợ thông tin dịch vụ du lịch tại tỉnh Quảng Ninh cho 116 trường hợp, chuyển 23 thông tin phản ánh của khách du lịch tới cơ quan chức năng cũng như xử lý vi phạm hành chính đối với 20 trường hợp với tổng số tiền là 263 triệu đồng.
Tuy vào cuộc, quan tâm xử lý nhưng do nhiều lý do vẫn còn tình trạng phản ánh dịch vụ kém chất lượng, các sự vụ chưa được xử lý thỏa đáng… cần quan tâm sâu sát, kịp thời để xây dựng hình ảnh du lịch lành mạnh, văn minh.