Sau bão Yagi, gần 6.000ha lúa, màu, cây ăn quả trên toàn tỉnh bị đổ, gãy, ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản. Xác định cần sớm phục hồi sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống cho đông đảo nông dân, các đơn vị đoàn thể và chính bản thân mỗi nông hộ, nông dân đã rất nỗ lực triển khai những hoạt động sáng tạo và hiệu quả.
Diện tích hàng chục ha cây ổi của HTX nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng nằm ở vị trí thung lũng tương đối thấp và kín gió ở xã Sơn Dương. Cũng vì vậy mà trong sức gió rất mạnh của cơn bão số 3, tỷ lệ cây ổi bị gãy đổ không quá lớn, ngược lại tình trạng ngập úng đối với cây ổi lại nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của cây ổi. Ngay sau bão, được sự hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn cùng sự động viên của ban quản trị HTX, các xã viên đã cùng nhau khơi thông bờ rãnh để tiêu thoát nước; dựng lại những cây bị đổ nhẹ; cắt tỉa cành lá bị dập gãy hoặc bị ngấm bùn đất; xới đất tạo độ thông thoáng cho rễ cây, đồng thời bón thêm phân, thuốc để tăng dưỡng chất cho cây. Đối với cây bị bật gốc, gãy thân, bị ngập úng sâu, héo lá, dập nát thân cành… khó có thể phục hồi, các xã viên HTX nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng loại bỏ, đánh dấu vị trí để trồng thay thế.
Anh Nguyễn Thế Vinh, thành viên HTX nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng, cho biết: Do phải chạy đua với thời gian, chúng tôi cần nhân lực lớn nên lãnh đạo HTX vận động tất cả các hộ thành viên cùng tham gia. Thêm vào đó, việc phục hồi vườn cây sau bão cần có sự liên kết giữa các hộ với nhau, nhằm đảm bảo các hộ đều được hạn chế thiệt hại một cách thấp nhất.
Trong bão số 3, Đông Triều là địa phương có diện tích lúa, màu bị ngập úng cao nhất tỉnh, với khoảng 2.000ha. Trước đó, 5 trạm bơm công suất cao đã vận hành liên tục để tiêu thoát nước, tuy nhiên do lượng mưa lớn cộng với triều cường nên thời gian cây bị ngập úng vẫn kéo dài hơn tính toán. Sau bão, việc đầu tiên của các hộ dân Đông Triều là cứu lúa. Bằng kinh nghiệm của mình, các hộ dân xử lý phần nước ngập và bùn đất bám dính hoặc đè lên thân cây lúa. Nhiều hộ dân tiến hành phun khử trùng và thay chua rửa mặn ngay.
Quá trình triển khai cứu lúa sau úng của nông dân Đông Triều có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các hộ có ruộng liền kề, liền thửa với nhau, khiến cho hiệu quả công việc đạt cao. Đến thời điểm ngày 24/9, toàn thị xã có khoảng 300ha bị mất trắng, do cây ngập sâu, thời gian lâu và thân đã bị dập nát, tổn thương do sức gió và sức nước. Số còn lại trên 1.700ha lúa, màu đều được phục hồi.
Hiện nay do tổng diện tích hoa màu bị ảnh hưởng do bão số 3 lớn, các hộ trồng rau, màu, lúa, cây ăn quả bị thiệt hại do bão đều chủ động khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn; xử lý các chất thải (bùn đất, rong rêu,…) bám trên lá lúa. Riêng đối với diện tích lúa đã trỗ đến chắc xanh bị đổ ngã, tiến hành dựng lúa; phun bổ sung phân bón lá siêu kali theo khuyến cáo của nhà sản xuất; đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch (chín trên 85%) cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hơn 2 tuần sau mưa bão, trên 90% diện tích canh tác bị ảnh hưởng do bão đang dần phục hồi.
Có thể thấy bằng sự chung tay, đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo của người nông dân, rất nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 đã được khắc phục hiệu quả, kịp thời giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng về năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị nông sản.