Với hàng loạt biện pháp kích cầu, ngành du lịch thế giới đang trên đà phục hồi trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đứng trước cơ hội cất cánh, “ngành công nghiệp không khói” được kỳ vọng đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời phát huy tiềm năng thúc đẩy gắn kết, góp phần vào hòa bình và phát triển bền vững.
Số liệu do Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) công bố gần đây nêu bật những tín hiệu tích cực của ngành du lịch thế giới thời gian qua. Theo UN Tourism, bảy tháng đầu năm 2024 ghi nhận khoảng 790 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ thấp hơn 4% so với mức của năm 2019.
Trong đó, Trung Đông và châu Phi đón lượng khách quốc tế vượt mức trước dịch Covid-19. Các khu vực khác cũng không còn cách xa mục tiêu phục hồi lượng khách du lịch quốc tế. Theo UN Tourism, doanh thu từ du lịch quốc tế năm 2023 đạt khoảng 1,8 nghìn tỷ USD, gần như mức trước đại dịch. Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu từ du lịch quốc tế của nhiều quốc gia, như Albania, Serbia, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia… tăng trưởng ở mức hai, ba con số so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đem lại cái nhìn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của cả năm nay.
Những con số biết nói nêu trên cho thấy, sự phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch vào cuối năm 2024 là khả thi. UN Tourism nhận định, sự khởi sắc này có được là nhờ nhu cầu tăng mạnh của du khách châu Âu và nhiều thị trường ở châu Á và châu Đại Dương mở cửa trở lại. Tổng Thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili cho rằng, các biện pháp tăng cường kết nối hàng không và nới lỏng hạn chế thị thực cũng là yếu tố mang lại sự phục hồi.
Dù đã đạt được nhiều thành quả, song ngành du lịch thế giới vẫn phải đối mặt không ít thách thức. Các chuyên gia cho rằng, lạm phát và gián đoạn thương mại, kéo theo chi phí di chuyển, ăn ở tăng cao, là thách thức chính với ngành du lịch. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực cũng là vấn đề không nhỏ khi nhu cầu du lịch tăng cao. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động du lịch. Những bất ổn địa chính trị cũng hạ thấp kỳ vọng về khả năng phục hồi của ngành du lịch toàn cầu.
Sự phục hồi nhanh chóng cũng như những thách thức đặt ra, cho thấy tính cấp thiết của các chính sách toàn diện và bền vững hơn đối với ngành du lịch, chứ không chỉ gắn với lợi ích kinh tế. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Belem của Brazil gần đây, các đại biểu nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tuyên bố Belem được các Bộ trưởng Du lịch G20 thông qua khẳng định cam kết chung nhằm phát triển ngành du lịch bền vững, kiên cường và toàn diện hơn. Chiếm tới hơn 70% tổng lượng khách du lịch quốc tế và doanh thu toàn cầu, G20 cần đi đầu trong nỗ lực phát huy thế mạnh của ngành du lịch.
Du lịch cũng có thể trở thành một “chất xúc tác” góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, quốc gia, qua đó thúc đẩy hòa bình và phát triển. Điều này được UN Tourism nêu bật nhân Ngày Du lịch thế giới (27/9) với chủ đề của năm 2024 là “Du lịch và hòa bình”. Chủ đề này được đưa ra rất đúng lúc bởi các cuộc xung đột liên tiếp bùng phát đang đe dọa nền hòa bình, cản trở đà phục hồi và tăng trưởng bền vững của các nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Trong thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh mối liên hệ giữa du lịch và hòa bình. Ông Guterres nhận định, du lịch gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, qua đó khuyến khích hợp tác và phát triển. Ông Guterres cũng cho rằng, mỗi du khách đều có thể trở thành một đại sứ góp sức vào nỗ lực gắn kết các quốc gia. Như người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi, cộng đồng quốc tế cần chung tay khai thác tiềm năng của ngành du lịch nhằm xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa, góp phần bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho mọi người dân.