Giám sát và phản biện xã hội là hoạt động nhằm phát huy tính dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đồng thời củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Xác định rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội của Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm “vững chắc – linh hoạt” theo hướng chọn lĩnh vực, vấn đề vừa có ý nghĩa xã hội cao, vừa phù hợp với năng lực của hệ thống, cũng như được nhân dân quan tâm, MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, thống nhất hành động chung về giám sát, phản biện giữa các thành viên là các tổ chức chính trị – xã hội. Nhất là từ khi Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW có hiệu lực (năm 2014), Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, Chỉ thị 37-CT/TU (ngày 18/1/2023) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể với nhiều nội dung lớn. Trong đó tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội theo hướng thống nhất quy trình kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị, tránh chồng chéo, bỏ sót. Cụ thể như MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội giám sát đối với lĩnh vực quản lý của các cơ quan nhà nước, hoạt động của công chức, công vụ liên quan đến giải quyết công việc với công dân – doanh nghiệp và góp ý kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng, chỉ đạo khắc phục. Các tổ chức chính trị – xã hội tuỳ chức năng nhiệm vụ của mình tham gia giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, hội viên mình đồng thời tham gia vào các đoàn giám sát của tỉnh.
Trong các hoạt động giám sát, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã chủ động thông tin kịp thời cho đối tượng được giám sát, phản biện và góp ý những nội dung liên quan. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị được giám sát, phản biện và góp ý đã cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản dự thảo liên quan thực hiện quy chế, quy định. Đặc biệt, để thực hiện cơ chế cung cấp thông tin trong giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, gắn với việc quy định rõ trách nhiệm cụ thể của sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội để triển khai, thực hiện quy chế, quy định. Các nội dung kiến nghị của MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội sau giám sát và các nội dung góp ý xây dựng chính quyền được tiếp nhận, tiếp thu, nghiên cứu và trả lời kịp thời, đúng các quy định nêu trong quy chế, quy định.
Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức và hoàn thành 2.720 chương trình giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì hoàn thành 2.166 chương trình giám sát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cải cách hành chính, an sinh xã hội.
Đặc biệt, lần đầu tiên Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát 97 đồng chí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh (36 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện; 61 đồng chí là giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban, phó trưởng ban, cục trưởng, phó cục trưởng của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh); giám sát 1.342 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (18 đại biểu HĐND tỉnh, 85 đại biểu HĐND cấp huyện, 1.239 đại biểu HĐND cấp xã) với các nội dung chủ yếu trong thực hiện trách nhiệm, quyền hạn, việc tu dưỡng đạo đức, lối sống đảm bảo khách quan, chính xác và thống nhất.
Công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cũng được gắn với việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở. Công tác giám sát chủ yếu tập trung vào hoạt động của cấp chính quyền cơ sở, việc đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, an sinh xã hội và công trình có sự đóng góp của nhân dân; giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, người cao tuổi; quy trình rà soát hộ nghèo; công tác phòng, chống tham nhũng; cán bộ, công chức trong thực thi công vụ… Trong điều hành của chính quyền cũng được nhân dân giám sát, phản biện không chỉ qua những buổi tiếp xúc cử tri mà qua các phản ánh hằng ngày, hằng tuần từ các ban thanh tra. Qua đó, phát huy vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; hạn chế các sai phạm trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.
Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 2 chương trình kiểm tra tổng thể hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức 2 hội nghị, hội thảo cấp tỉnh. Hằng năm tổ chức 10-12 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Duy trì hoạt động hiệu quả của 1.569 tổ hòa giải.
Đối với nội dung phản biện, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung phản biện các văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền; các dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tham gia phản biện bằng văn bản với trên 1.500 dự thảo nghị quyết trình HĐND các cấp và quyết định, chương trình, dự án của UBND các cấp, các văn bản quy phạm pháp luật khác gửi các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức hiệu quả hoạt động 5 hội nghị phản biện đạt kết quả cao. Các ý kiến phản biện của MTTQ được cơ quan trình, cơ quan quyết định ban hành tiếp thu đầy đủ, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền địa phương xem xét ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn; điển hình là phản biện dự thảo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi…
Ngoài tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản, tổ chức hội nghị, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai lấy ý kiến qua các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như qua các cổng, các trang thông tin điện tử, trang cộng đồng (fanpage), các nhóm zalo… trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Thông quan giám sát và phản biện xã hội đã làm cho các quy định của Đảng, Nhà nước sát với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân và có tính khả thi cao hơn. Phát huy những kết quả đã đạt được, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội để từ đó tập trung vào một số nội dung quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.