Để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho người dân bị thiệt hại sau bão số 3, ngày 25/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác khắc phục sau bão tại huyện Ba Chẽ. Đồng chí yêu cầu, Ba Chẽ cần vươn mình, tái thiết nền kinh tế, làm giàu bằng chính nội lực của mình.
Cùng đi có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Ba Chẽ cho biết: Bão số 3 có sức tàn phá lớn, cường độ rất mạnh, đổ bộ về địa bàn huyện đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Cụ thể, bão đã làm 3 nhà dân đổ sập, 138 nhà dân bị tốc mái, 15 nhà xưởng bị hư hỏng nặng; nhiều tuyến đường bị sạt lở, 2 cầu treo bị phá hủy, 5 cầu treo, ngầm tràn bị hư hỏng. Đặc biệt, là địa bàn sản xuất lâm nghiệp, bão đã khiến gần 19.000ha cây lâm nghiệp bị gãy, đổ, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất của hơn 3.400 hộ dân và các doanh nghiệp; hơn 100ha rừng gỗ lớn bị hư hỏng, đổ gãy. Bão đi qua, hoàn nguyên sau bão gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng khiến gần 900 ngôi nhà bị ngập cao từ 0,5 đến 4m, một số khu vực bị chia cắt cục bộ. Tổng thiệt hại sau bão được rà soát, tính toán lên đến gần 750 tỷ đồng, chủ yếu thiệt hại cây lâm nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay sau bão, mưa lũ, huyện đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia, chỉ đạo huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị để triển khai công tác khắc phục hậu quả. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình có nhà ở bị sập đổ, tốc mái để tiến hành khắc phục; làm việc với các đơn vị thu mua dăm gỗ để thống nhất các giải pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khôi phục sản xuất; rà soát, khẩn trương lên phương án bố trí kinh phí sửa chữa các công trình giao thông cấp bách; khắc phục tình trạng mất thông tin liên lạc và điện…
Tại buổi làm việc, huyện Ba Chẽ đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 theo hướng bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Thống nhất với các ngân hàng để thực hiện giãn, hoãn, kéo dài nợ, hỗ trợ lãi suất đối với các hộ gia đình, cá nhân vay vốn sản xuất nông lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Đầu tư thay mới các cầu treo bị phá hủy để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra những thiệt hại về lâm nghiệp, gặp gỡ, thăm hỏi người dân bị thiệt hại, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn của các cấp chính quyền, người dân. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần tích cực, kiên cường vượt qua khó khăn, triển khai các biện pháp khắc phục để sớm ổn định đời sống, tái khởi động sản xuất.
Đồng chí nhấn mạnh: Kinh tế chủ lực của Ba Chẽ là rừng, rừng không chỉ che chở, bảo vệ người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sự no ấm cho người dân. Từ rừng, hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế phát triển… Tuy nhiên bão số 3 đã lấy đi công cụ sản xuất của nhân dân, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương.
Để người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, đồng chí yêu cầu địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo các quy định của Chính phủ và tỉnh. Huy động lực lượng, nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom gỗ cho các hộ trồng rừng; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, đồng chí yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, hỗ trợ tối đa cho người dân.
Chủ trương của tỉnh hiện nay là lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp. Ba Chẽ đang có rất nhiều cơ hội mới, để làm giàu ngay tại quê hương, huyện phải đặt quyết tâm, làm giàu từ nguồn lực của huyện. Sau bão, Ba Chẽ cần vươn mình, tái thiết nền kinh tế, làm giàu bằng chính nội lực của mình.
Để làm được điều này, huyện cần nghiên cứu, đề xuất, triển khai Đề án riêng về tái thiết nền kinh tế. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đổi mới cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những cách làm mới, phương án mới, loại cây trồng mới, hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định, bền vững, làm giàu cho nhân dân, cho huyện.
Đối với các đề nghị của huyện Ba Chẽ, đây cũng là những trăn trở đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và làm việc với các tổ chức tín dụng để sớm có các chính sách phù hợp, áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất.
Đồng chí yêu cầu Ngân hàng Chính sách huyện thực hiện ngay việc thống kê nhu cầu hỗ trợ về vốn tại địa phương để làm căn cứ báo cáo, đề xuất. Các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách mới một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.