Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ phong phú, đa dạng nhưng hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo, đặc sắc và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, khí hậu… là thách thức lớn để địa phương phát triển du lịch quanh năm.
Đây là thực trạng được nêu tại Hội thảo định hướng phát triển sản phẩm du lịch khắc phục tính mùa vụ khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, tổ chức ngày 24/9. Sự kiện do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm đề xuất giải pháp khắc phục tính mùa vụ đối, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tính mùa vụ (seasonality) trong du lịch là sự biến động theo chu kỳ của lượng du khách đến một điểm du lịch. Sự biến động này chịu tác động của các yếu tố như: Thời tiết, kỳ nghỉ, sự kiện văn hóa, nhu cầu của thị trường khách và yếu tố “cung” và cầu” của các dịch vụ, hàng hóa du lịch…
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định, hoạt động du lịch không liên tục trong năm (du lịch mùa vụ) ở khu vực ven biển Bắc Trung Bộ chịu sự tác động mạnh mẽ yếu tố con người và thiên nhiên. Việc tìm hiểu rõ các yếu tố tác động, cơ chế tác động là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp khắc phục tính mùa vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch. Hiểu rõ tính mùa vụ có thể giúp các nhà quản lý du lịch, chính quyền địa phương và các bên liên quan xây dựng chiến lược phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, tận dụng cơ hội từ tính mùa vụ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Với 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên, vật thể và phi vật thể, khu vực Bắc Trung Bộ giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống phát triển tour và tuyến du lịch của Việt Nam. Hiện nay, hạ tầng đường bộ cao tốc các trục kết nối khu vực đang dần hoàn thiện, đường hàng không, đường sắt, đường biển ngày càng có nhiều cải thiện, tạo thuận lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của vùng vẫn còn phát triển rời rạc, thiếu sự liên kết, chuỗi giá trị du lịch chưa được định hình chắc chắn, làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ, có nhiều loại hình du lịch phổ biến nhưng hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển thường đông khách về mùa hè và hầu như không có khách trong mùa đông. Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử – cách mạng phụ thuộc vào các mốc thời gian, sự kiện. Du lịch di sản, tham quan – nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm nhưng vào những tháng mùa đông, thời tiết lạnh giá, mưa gió hạn chế khả năng di chuyển và trải nghiệm của du khách. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng chưa được đầu tư xứng tầm. Du lịch lễ hội – tín ngưỡng thường tập trung vào những tháng sau Tết Nguyên đán. Du lịch khám phá đảo ven bờ bị hạn chế do các đảo gần bờ có diện tích rất nhỏ, nguồn nước ngọt không dồi dào, việc đầu tư khai thác khó mở rộng. Du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe thường tập trung ở những nơi có nguồn nước khoáng nóng với mục đích nghỉ ngơi và chữa bệnh…
Theo Thạc sỹ Hoàng Đạo Bảo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), kết quả kinh doanh du lịch của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch cần xác định việc khắc phục tính mùa vụ là nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch bền vững, cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng đa dạng các sản phẩm của các loại hình du lịch (sự kiện, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể thao, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm, văn hóa, lịch sử, mạo hiểm, tâm linh…). Cùng với việc đa dạng hóa thị trường khách nội địa, các địa phương phát triển thị trường khách quốc tế để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các mùa, các điểm du lịch.
Để giảm thiểu tính thời vụ của du lịch, Tiến sỹ Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam nhấn mạnh đến việc định hướng du khách mùa, xây dựng kế hoạch quảng bá, marketing trong mùa thấp điểm, đa dạng hóa loại hình du lịch, tăng cường hợp tác du lịch, chủ động đào tạo nhân lực…
Ngoài ra, các địa phương có thể mở rộng ở hoạt động chợ sản phẩm nông sản địa phương (OCOP), tham quan trải nghiệm làng nghề, khai thác du lịch gắn với thể thao, các cuộc thi sáng tạo cho nhóm khách; du lịch chữa bệnh, làm mới lại tinh thần. Đồng thời, trong mùa thấp điểm, với các địa phương miền Bắc Trung Bộ, cần tính toán đẩy mạnh khai thác du lịch cuối tuần; không gian văn hóa ven biển trong mùa thấp điểm; tăng cường tuyên truyền “Biển mùa đông không lạnh”, “Biển ban đêm không tối”… để tạo nên sản phẩm du lịch phù hợp, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.