Những tháng cuối năm khi mà nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp. Đặc biệt với Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ, trên biển dài, nhiều cửa khẩu, cảng biển, đường mòn, lối mở… giao thương với nước bạn Trung Quốc thì hoạt động buôn lậu dịp cuối năm càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn. Để chủ động đấu tranh phòng, chống, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Từ đầu năm tới nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý trên 1.600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm hàng chục tỷ đồng.
Điển hình, như TP Móng Cái, tính từ ngày 16/12/2023 đến cuối tháng 7/2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã bắt giữ và xử lý 331 vụ/341 đối tượng liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tổng trị giá hàng hóa là hơn 11,1 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 170 vụ buôn bán, vận chuyển, tập kết trái phép hàng cấm, hàng lậu; hơn 40 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 33 vụ sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, lực lượng chức năng TP Móng Cái cũng bắt giữ, xử lý hơn 70 vụ với hơn 70 đối tượng vận chuyển trái phép, buôn bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thu giữ hơn 24.000kg và 97.881 sản phẩm thực phẩm các loại với tổng trị giá ước tính hơn 2,5 tỷ đồng; 19 vụ/19 đối tượng vận chuyển, buôn bán kinh doanh trái phép 5.551 sản phẩm mỹ phẩm các loại…
Xác định những tháng cuối năm là thời điểm gia tăng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, Ban Chỉ đạo 389 TP Móng Cái đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển hàng lậu; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng. Cùng với đó, tăng cường nắm tình hình trên toàn tuyến biên giới, chú trọng công tác thu thập thông tin, chủ động xác lập chuyên án để đấu tranh, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; tập trung vào đối tượng trọng điểm, đối tượng cộm cán; mặt hàng trọng điểm, như: Pháo nổ, rượu, hàng cấm, động thực vật và sản phẩm của động thực vật hoang dã, quý hiếm, gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng, đồ chơi trẻ em, hoa quả, bánh kẹo, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ở khu vực phía Tây của tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của TP Uông Bí đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Theo đó, xác định rõ đặc điểm, tình hình của địa phương, Ban Chỉ đạo 389 TP Uông Bí đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên để phối hợp làm tốt công tác quản lý nhà nước, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn theo lĩnh vực ngành phụ trách; yêu cầu các cơ quan, đơn vị thành viên lập đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức về buôn lậu và gian lận thương mại… Trong 8 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 133 vụ/133 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, phát mại hàng hoá, truy thu thuế gần 4 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 TP Uông Bí đã chỉ đạo các ngành thành viên đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, kiểm tra, xử lý vi phạm; vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Là địa bàn có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịp cuối năm. Theo phân tích của các lực lượng chức năng, trên tuyến biên giới, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây buôn lậu thường không hoạt động trực tiếp mà lợi dụng địa hình khu vực biên giới có nhiều đường mòn, lối mở tự phát và cư dân biên giới để thuê mang, vác, vận chuyển trái phép hàng hóa. Một số đối tượng sử dụng các phương tiện ô tô gia cố hầm, vách một cách tinh vi để cất giấu, vận chuyển hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp; hàng giả, hàng cấm từ khu vực biên giới vào trong nội địa để tiêu thụ. Trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình, thời tiết, ban đêm, và những khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát trên biển của lực lượng chức năng, sử dụng các loại phương tiện như tàu đánh cá, tàu hoán cải, xuồng cao tốc để vận chuyển… Xác định rõ tình hình đó, thực hiện chủ trương của cấp trên, các ngành, địa phương, đơn vị chức năng của tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, bám, nắm tình hình địa bàn để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm. Qua đó, tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn…