Cơn bão số 3 đã khiến ngành Thuỷ sản Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề. Các địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên… gần như “trắng biển”. Mặc dù cũng bị thiệt hại không nhỏ từ cơn bão này, song may mắn hơn, những người nuôi tôm tại Tiên Yên vẫn cơ bản giữ được ao đầm và hiện đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất sau bão.
Cơn bão số 3 ập tới khi hộ nuôi tôm của anh Diệp Văn Bảo (thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) vừa xuống giống được 20 ngày. Nhà anh có gần 7ha tôm nuôi, gồm 1 ao nuôi quảng canh, 2 ao nuôi công nghiệp. Nghe tin cơn bão, đặc biệt là khi biết bão tăng cấp thành siêu bão, anh Bảo cũng như tất cả những người nuôi khác đều chỉ cố gắng hết sức để phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại của thiên tai trong sự thấp thỏm không yên. Chủ động tháo nước trong ao nuôi tránh mưa lớn tràn ao, trữ sẵn nước để sử dụng ngay sau bão, bố trí máy phát và dầu để chạy quạt nước tạo oxy phòng trường hợp mất điện…, những gì có thể làm, anh đều đã làm. Cũng nhờ đó, dù cũng gặp thiệt hại khi gió bão làm rách một phần bạt lót đầm, song anh Bảo đã có thể nhanh chóng khắc phục, tiếp tục nuôi trồng.
Anh Diệp Văn Bảo chia sẻ: Tôi may mắn là một trong những người nuôi tôm không bị thiệt hại quá nhiều bởi bão số 3. Tôm nuôi đến hôm nay vẫn mạnh khoẻ, phát triển tốt. Mấy hôm đầu sau bão mất điện phải chạy máy phát chứ bây giờ điện có lại thì ổn định rồi. Tôi cũng cố gắng chăm đầm thật tốt để vụ nuôi này vẫn đạt như kỳ vọng.
Xã Hải Lạng là địa bàn có diện tích nuôi tôm lớn nhất trên địa bàn huyện Tiên Yên, với diện tích trên 886ha, trong đó 65ha nuôi thâm canh của 126 hộ; 820ha nuôi quảng canh của 256 hộ. Tương tự như hộ nuôi của anh Bảo, dù cũng gặp không ít thiệt hại do bão số 3, song đến thời điểm hiện tại, các hộ cơ bản giữ được ao, đầm, đồng thời chủ động khôi phục lại sản xuất. Cùng với đó, điện lưới đã được cung cấp ổn định trở lại, hoạt động sản xuất cũng đã trở về như trước bão.
Ông Lục Quốc Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, cho biết: Hiện, xã đang cho rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn. Gần như 100% hộ nuôi đã có thể đưa trở lại sản xuất ổn định. Tuy nhiên, sau thiên tai, thường có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh phát sinh, trong đó, tôm lại là đối tượng nuôi rất mẫn cảm với thời tiết, do đó địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi trồng, chủ động phòng chống các mầm bệnh phát sinh, đảm bảo vụ nuôi vẫn đạt năng suất, sản lượng như kế hoạch đã đề ra.
Theo thống kê sơ bộ, trên diện tích nuôi tôm 1.240,4ha (nuôi thâm canh: 175,7ha; nuôi quảng canh 1.064,7ha), huyện Tiên Yên bị thiệt hại 31.420m2 mái che khu nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ nuôi bị gió cuốn làm rách bạt lót ao nuôi, thất thoát một phần tôm nuôi… Địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ để bà con nhanh chóng ổn định sản xuất.
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Do rất chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, nên trong cơn bão số 3 thì Tiên Yên không phải chịu quá nhiều thiệt hại, nhất là những thiệt hại lớn, nghiêm trọng gây đình trệ sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm. Song để phục vụ cho bà con trở lại sản xuất thì ngay sau bão địa phương đã nhanh chóng khắc phục các sự cố về điện, cung cấp điện lưới trở lại cho bà con. Các tuyến giao thông cũng đã thông suốt. Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương tăng cường bám sát các vùng nuôi, khắc phục hậu quả của bão cũng như giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo sản xuất ổn định cho vụ thu đông này, cũng như kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm trên địa bàn huyện.
Ngành thuỷ sản Quảng Ninh thiệt hại nặng nề sau bão số 3, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc bà con nuôi tôm tại Tiên Yên đã có thể quay trở lại sản xuất bình thường vẫn là một tín hiệu tích cực sau bão.