Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện về Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì triển khai xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, Đề án đã có ý kiến của 45 đơn vị và 12 thành viên Hội đồng phản biện do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Sở NN&PTNT đã chỉnh sửa đề án và báo cáo UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào ngày 2/7/2024. Trên cơ sở ý kiến góp ý, phản biện và làm rõ thêm một số nội dung liên quan trong Đề án, Sở NN&PTNT đã tiếp thu và tiếp tục xin ý kiến lần 2, đến nay đã có 36 đơn vị có ý kiến tham gia góp ý vào Đề án.
Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng phản biện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì đã tiếp tục phân tích, làm rõ một số vấn đề xung quanh Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh đến một số nội dung trọng tâm, như: Cơ sở xây dựng Đề án; quan điểm, định hướng, mục tiêu của Đề án; tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả Đề án…
Đồng thời đưa ra khuyến nghị cho Sở NN&PTNT về một số vấn đề, như: Xác định và định vị Đề án nhằm thực thi, cụ thể hóa Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất tỉnh và quy hoạch các địa phương; rà soát, giảm bớt và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án cần triển khai cấp thiết nhất trên quan điểm nhận diện những tồn tại cần khắc phục hiện nay để phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh; đặt ra các chỉ tiêu khả quan hơn trong một số nhiệm vụ; giải pháp huy động nguồn lực cho các dự án, nhiệm vụ của Đề án và thu hút nguồn nhân lực để thực hiện Đề án nói riêng và phát triển kinh tế thủy sản nói chung…
Các ý kiến góp ý, phản biện, khuyến nghị tại hội thảo sẽ được Sở NN&PTNT tiếp thu đầy đủ, tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh cho ý kiến và phê duyệt.