PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn, là người rất quan tâm nghiên cứu vấn đề công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Nhân dịp PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm có chuyến công tác tại Hạ Long, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với bà.
– Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa mà cụ thể là công nghiệp âm nhạc tại Quảng Ninh?
+ Thú thực là với Quảng Ninh, tôi chưa có điều kiện tiếp cận được nhiều lắm. Nhưng rõ ràng, công nghiệp văn hóa là xu thế, xu hướng không thể cưỡng lại được. Trên thế giới, người ta làm nhiều rồi. Ở Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Đảng, Nhà nước chúng ta cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt. Chúng ta cũng đã bàn nhiều về vấn đề này.
Thực ra thì công nghiệp văn hóa đã có ở Việt Nam từ rất lâu rồi chứ không phải là từ khi mà chúng ta bắt đầu đặt vấn đề thì mới có. Rất nhiều tác phẩm âm nhạc khi phổ biến (ví dụ đưa lên đài truyền hình, đài phát thanh) thì đã là sản phẩm mang tính thị trường, nghĩa là có thể bán được. Để có được các sản phẩm của công nghiệp âm nhạc không có gì mới mẻ cả nhưng nó lại rất mới ở chỗ nếu chúng ta không làm mới thì chính chúng ta sẽ lặp lại câu chuyện cũ và chúng ta làm sao bán được? Đã là sản phẩm văn hóa thì phải luôn mới, luôn sáng tạo, cho nên là tôi nghĩ Quảng Ninh sẽ làm được. Vì sao ư? Vì Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng, trong đó du lịch là một trong những tiềm năng của công nghiệp văn hóa, là loại hình được ưu tiên phát triển và đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Vậy thì công nghiệp âm nhạc sẽ mang lại lợi ích gì cho Quảng Ninh đây? Tôi phải nói ngay là thực tế du khách đến Quảng Ninh họ có bao giờ đi “thầm” đâu. Họ luôn muốn nghe nhạc. Mà sản phẩm âm nhạc thì có ở khắp nơi, từ nhạc quảng cáo, nhạc chờ, nhạc chuông điện thoại cho đến nhạc phim, nhạc nước, nhạc múa rối ở Tuần Châu, nhạc ở các khu vui chơi, giải trí. Vậy thì tại sao mình không nghiên cứu để kích thích, làm cho người ta đến với Quảng Ninh nhiều hơn. Tất nhiên là mình phải có cái riêng, cái đặc sắc. Bạn cứ thử nghĩ xem, một hình ảnh tivi trên truyền hình nếu không có âm nhạc thì nó sẽ chết. Nếu âm nhạc sơ sài thì nó không hiệu quả. Nhưng nếu ta nghiên cứu kỹ về âm nhạc mang đến như thế nào, điều đó sẽ tạo ra được sự hấp dẫn cho du khách.
– Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều du thuyền tổ chức các show diễn âm nhạc kết hợp du lịch. Bà nhìn nhận như thế nào về cách làm này?
+ Nhiều địa phương trong cả nước như Cần Thơ, Sài Gòn cũng đã có một số du thuyền làm mô hình này trên sông. Ở đó, họ cũng có cả các loại hình âm nhạc từ nhạc nhẹ, nhạc trẻ, thậm chí cả đờn ca tài tử. Ở Hạ Long thì chúng ta buộc phải suy nghĩ xem thứ âm nhạc nào mang bản sắc Hạ Long, ngoài tính sáng tạo thì phải khác biệt, phải có tính bản sắc.
Tô Iuôn muốn nhắc lại câu nói rất cô đọng là hãy nghĩ một cách toàn cầu nhưng hãy làm một cách địa phương. Đó là câu nói thể hiện tư duy cô đọng, súc tích. Âm nhạc ở Hạ Long cũng phải vậy. Bạn thử nghĩ xem, trên du thuyền không có âm nhạc sẽ không đạt kết quả mong muốn, nếu đưa âm nhạc vào sẽ tác động hiệu quả hơn đến hoạt động du lịch. Nhưng tôi mong muốn chúng ta hãy nhấn thêm một bước nữa là đưa âm nhạc mang bản sắc Quảng Ninh vào các sản phẩm du lịch. Đó có phải là dân ca Quảng Ninh hay không? Có đặc sắc hay không?
Hoặc là đưa câu chuyện của những ca sĩ, nghệ sĩ Quảng Ninh thành danh như Quang Thọ, như Hồ Quỳnh Hương chẳng hạn. Cũng có thể là của những nơi khác mang về, chúng ta trộn lẫn với nhạc nhẹ, nhạc trẻ cho vui tươi hơn. Tôi nghĩ, mình cần tư duy thêm thì sẽ có hiệu quả hơn.
– Một nhạc sĩ nổi tiếng là người con của Quảng Ninh từng đề xuất một festival âm nhạc tại Hạ Long. Bà thấy sao về ý tưởng này?
+ Tôi rất ủng hộ. Bởi vì festival âm nhạc là dịp người ta hội ngộ, người ta giao lưu, trao đổi và từ đó sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề hơn nữa. Nếu mình là người đi diễn, mình nhìn người khác diễn thì mình sẽ nhận ra người đó làm hay hơn mình cái gì, chỗ nào đặc sắc hơn để phát huy. Festival âm nhạc luôn mang lại những hiệu quả, hiệu ứng sau đó chứ không chỉ ngay tức thì. Dần dà, người ta sẽ đến du lịch ngay cả vào mùa đông, biết đến Quảng Ninh nhiều hơn. Còn về lâu dài sau đó thì hiệu ứng của festival âm nhạc sẽ lan rộng hơn.
Quảng Ninh có nhiều tài năng, có tổ chức lễ hội hay festival âm nhạc thì theo tôi thực ra mới chỉ là bề nổi của câu chuyện. Nếu ta nghiên cứu kỹ lịch sử ta sẽ thấy, trong một giai đoạn mà chính quyền quan tâm thể loại âm nhạc nào thì thể loại đó sẽ phát triển. Ví dụ, đời Trần hát tuồng phát triển, sang đời Lê thì ca trù lại phát triển, rồi đến nhà Nguyễn thì các vua nhà Nguyễn lại thích tuồng. Có những vở đến bốn chục, năm chục thậm chí cả hàng trăm đêm diễn mỗi năm. Giống như bây giờ ta coi phim truyện nhiều tập nhưng người ta vẫn thích.
– Vậy chúng ta phải quan tâm duy trì các mô hình đã có như thế nào, thưa bà?
+ Tôi cho rằng, sự quan tâm không có nghĩa là phải bao cấp, quan tâm không có nghĩa là “bồng ẵm”, ôm ấp nó kiểu như đã lỡ đẻ nó ra rồi phải nuôi. Chúng ta quan tâm bằng chính sách, bằng những biện pháp quản lý nhà nước, bằng sự cổ vũ, động viên, bằng chính sách thuế miễn giảm, bằng chính sách về con người, về đầu tư. Và tất nhiên là đầu tư phải có lợi nhuận. Sự đầu tư của Nhà nước cộng với sự vào cuộc của người dân, của doanh nghiệp khi đã được tạo điều kiện để phát huy năng lực thì tôi nghĩ sẽ có được những sản phẩm, những con người chuyên nghiệp cho sự phát triển của công nghiệp âm nhạc.
Quảng Ninh cũng là mảnh đất thi ca. Trong nền âm nhạc cổ truyền, ca khúc dân gian có bản chất là thơ dân gian được hát lên. Thơ ca đương đại ở Quảng Ninh cũng rất nhiều và khá nhiều bài hay. Vậy nên hãy tận dụng mối lương duyên này để phổ nhạc, dâng cho đời nhiều sáng tác âm nhạc, mang đến cho âm nhạc những ý tưởng sáng tạo, những ngôn từ đẹp đẽ rồi cùng nâng nhau bay lên…
– Nhân nói về yếu tố con người, bà đánh giá như thế nào về đội ngũ nhân lực cho công nghiệp âm nhạc ở Quảng Ninh?
+ Quảng Ninh có điều làm tôi rất ngạc nhiên là sinh ra nhiều người con có giọng hát đẹp. Xưa đã có và nay cũng có. Vậy nên chăng, chúng ta đặt ra vấn đề hội ngộ những giọng hát thành danh tại festival âm nhạc tạo dấu ấn Quảng Ninh, tạo sự khích lệ cho bản thân người Quảng Ninh. Đó cũng là điều kiện để tìm tòi những giọng hát mới, những con người được trời phú cho những giọng hát đẹp.
Bên cạnh phát huy nguồn lực tài năng ca hát đó, cần đề xuất một số giải pháp, như: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, nghệ thuật; đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tư vấn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Có một thực tế là thị trường âm nhạc của chúng ta khá sôi nổi và nhộn nhịp, thế nhưng con số thực tế của đội ngũ lý luận phê bình nghiên cứu, lý thuyết, lý luận âm nhạc là một khoảng trống. Đội ngũ những người có chuyên môn sâu làm công việc quản lý cũng rất ít. Đồng thời, Quảng Ninh là tỉnh giáp biên nên cũng cần tích cực nâng cao “sức đề kháng” của người dân, nhất là giới trẻ đối với văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; tăng cường vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc phát huy các giá trị đẹp về tâm hồn, nhân cách con người.
– Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!