Ngày 9/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2606/UBND-KTTC về việc tập trung khắc phục thiệt hại và phòng, chống mưa lũ sau số 3.
Do ảnh hưởng cơn bão số 3, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ. Từ đêm nay đến ngày 12/9/2024, tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông có khả năng gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở những nơi có nguy cơ cao; đặc biệt là các công trình đang thi công, ngập úng tại khu dân cư có địa hình trũng thấp. Để chủ động khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và phòng, chống mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh, khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 88/CĐ-TTg ngày 06/9/2024 về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão; 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024; số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3; Công điện số 6475/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 02/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024 của Bộ Xây dựng; các chỉ đạo của Tỉnh ủy; chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện: số 04/CĐ-UBND ngày 08/9/2024; số 03/CĐ-UBND ngày 03/9/2024 về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI) và các chỉ đạo của UBND tỉnh tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
2. Huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục thiệt hại và phòng chống mưa lũ sau bão số 3, trong đó giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với phương châm tập trung cứu người là trên hết, trước hết. Trước mắt tập trung vào công tác tìm kiếm người mất tích trên biển.
3. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: (1). Theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ, ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở để nhân dân biết, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh, rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình, địa hình, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất, đổ kè, sạt lở bãi thải mỏ, lũ quét, ngập lụt diện rộng tại đô thị, chia cắt địa hình, vỡ đập, sạt trượt… Trong trường hợp phát hiện nguy cơ, rủi ro đe dọa đến tính mạng con người thì phải kiên quyết, có biện pháp xử lý, di dời người dân đến nơi ở an toàn, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu và điều kiện sinh hoạt; (2). Khẩn trương chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác; khơi thông cống rãnh để tránh việc ngập úng; (3). Khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để tổng hợp báo cáo trước mắt thống kê ngay số người bị mất nhà ở, số người phải tạm cư nhiều ngày tới; số người diện cứu trợ khẩn cấp (lương thực, nước uống, thuốc men, quần áo…) chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân được đảm bảo có môi trường sống an toàn, hợp vệ sinh trước mắt và lâu dài.
4. Sở Công Thương: (1). Chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh khẩn trương sửa chữa hệ thống đường dây, cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; trong đó ưu tiên cấp điện cho các cơ sở y tế, trường học, trụ sở cơ quan trên địa bàn toàn tỉnh; (2). Chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hóa vật tư, đơn vị bán lẻ đáp ứng phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tăng giá hàng hóa thiết yếu.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: (1). Chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông (Mobiphone, Viettel, VNPT) khẩn trương khắc phục các thiệt hại, để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp sớm nhất, việc sửa chữa hoàn thành đến đâu cung cấp dịch vụ đến đó; (2). Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng thông tin tránh nhiễu loạn, diễn biến thiếu kiểm soát.
6. Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh đảm bảo cung ứng nước sạch để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; có phương án ưu tiên cấp nước sạch cho các cơ sở y tế, tuyệt đối không để thiếu nước sạch trong các cơ sở y tế.
7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn việc sử dụng ngân sách để sửa chữa, khắc phục các công trình bị hủy hoại, hư hỏng phải khắc phục, sửa chữa, thay thế… trên địa bàn tỉnh; thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2024. Tham mưu ngay cho UBND tỉnh hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương giải quyết nhu cầu khắc phục cấp bách các hậu quả cơn bão.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và sở, ngành địa phương: (1). Rà soát các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh hiện có để hướng dẫn các địa phương thống kê, báo cáo và tổ chức hỗ trợ ngay cho người dân để ổn định cuộc sống và phục hồi, khôi phục sản xuất, (2) Tham mưu ngay cho UBND tỉnh thành lập Tổ nghiên cứu Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau cơn bão số 3 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường làm tổ trưởng, thành phần tham gia có lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan khác (nếu cần thiết).
9. Sở Thông tin Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình mưa lũ trên địa bàn toàn tỉnh, mở các chuyên mục nhằm củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là những phương án, kịch bản thực hành diễn tập và trang bị kỹ năng cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng.
10. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết, và diễn biến của mưa hoàn lưu sau bão, sẵn sàng các biện pháp ứng phó thích hợp; Tiếp nhận thông tin, báo cáo tình hình triển khai kịp thời về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh), điện thoại: 0203 3634288, thời gian báo cáo trước 16 giờ 00 hàng ngày và đột xuất khi có yêu cầu, phát sinh thực tiễn.