Khác với nhiều loại cây ăn trái mỗi năm cho thu hoạch một lần, bưởi da xanh cho thu hoạch quanh năm, giá cả dao động tùy từng thời điểm, giúp nông dân có thu nhập khá.
Gia đình chị Phạm Thị Hồng Thúy ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng có 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch. Vụ tết vừa qua, chị xuất bán khoảng 5 tấn bưởi, còn từ đầu năm đến nay, gia đình cũng thu hái liên tục, hết lứa này lại thu lứa khác.
Để có thu nhập ổn định, thường xuyên, gia đình chị cho cây ra trái tự nhiên bán quanh năm. Trung bình 10 ngày chị cắt 1 lứa trái chín, bán cho thương lái. Hiện đang vào mùa mưa, cây bưởi dễ phát sinh nhiều sâu bệnh hại như nấm kim, rệp sáp, bọ trĩ gây nứt vỏ, khô cây, rụng hoa và trái non, vì thế, chị thường xuyên thăm vườn để phòng trị kịp thời. “Trước đây khu vực này tôi trồng điều, 1 năm chỉ thu được 1 vụ, kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Từ ngày chuyển qua trồng bưởi da xanh có thu hoạch quanh năm, kinh tế khá hơn, có điều kiện chăm lo gia đình và việc học hành của các con” – chị Thúy chia sẻ.
Bưởi da xanh đang là loại cây trồng cho thu nhập cao ở địa phương. Nông dân nắm vững kỹ thuật, chăm sóc vườn cây tốt là có thu nhập ổn định. Chỉ với 4 sào bưởi da xanh, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Mạu Hùng ở thôn 7, xã Long Bình thu hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đất ít nên anh trồng mật độ cây dày hơn. Theo anh Hùng, trồng dày hơn trái tuy ít nhưng bù lại không bị nám vỏ, không gãy đổ, quan trọng là phải biết tỉa cành, tạo tán để tránh rầy, rệp gây hại; bón phân, tưới nước đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho trái đều, đẹp. “Nếu để trái thu quanh năm thì chăm sóc cây, trái cần tỉ mỉ hơn, vì trên cùng một cây có nhiều lứa trái khác nhau. Bù lại, người trồng có thu nhập thường xuyên, ổn định” – anh Hùng chia sẻ.
Tổ hợp tác trồng cây ăn trái thôn 7, xã Long Bình có 14 thành viên, chủ yếu trồng bưởi và sầu riêng, trong đó có khoảng 25 ha bưởi da xanh. Các thành viên tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về phòng trừ sâu bệnh hại và tìm kiếm thị trường. Có sự liên kết chặt chẽ nên bưởi của thành viên làm ra luôn được tiêu thụ hết. Theo nhà vườn, chi phí đầu tư phân bón trong giai đoạn cây ra trái khá thấp, nên lợi nhuận người trồng thu được khá. Đặc biệt, những vườn bưởi được chăm sóc tốt, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ cho năng suất cao, bán được giá hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn trái xã Long Bình cho biết, so với các loại cây trồng khác thì bưởi da xanh dễ trồng, sản phẩm dễ tiêu thụ. Vì vậy, các thành viên tổ hợp tác ưu tiên phát triển loại cây ăn trái này.
Chị Hoàng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình cho biết, đất ở địa phương rất phù hợp trồng cây ăn trái, trong đó có cây bưởi. Người dân trên địa bàn trồng bưởi nhiều nên việc tiêu thụ thuận lợi, thương lái vào tận vườn thu mua. “Nhiều hộ dân có kinh nghiệm ngoài chăm lo phát triển vườn bưởi gia đình, còn hướng dẫn nhiều người xung quanh cách trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Đây là cây trồng được nhiều nông dân ở xã lựa chọn” – chị Ánh cho hay.
Bưởi da xanh đang được trồng nhiều ở Bình Phước. Hiện nhiều nông dân để cây ra trái thu hoạch quanh năm. Với cách làm này, người dân có thu nhập liên tục, ổn định cuộc sống.