“Các thế hệ đi trước đã dốc sức xây dựng thương hiệu, đưa hạt điều Bình Phước đến với chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Những doanh nghiệp, nông dân trồng điều thế hệ sau cần phát huy tốt các giá trị CDĐL hạt điều Bình Phước mang lại. Doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng, bảo vệ và phát huy thương hiệu này” – Phó Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe Nguyễn Hoàng Đạt khẳng định.
Cần “đòn bẩy” từ cơ chế
Tốc độ phát triển thị trường ngành điều ngày càng nhanh, đa dạng sản phẩm chế biến chuyên sâu để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng là xu hướng tất yếu. Thực tế, các doanh nghiệp đã phát triển hàng chục sản phẩm hạt điều chế biến sâu như: sữa hạt điều, hạt điều rang tẩm gia vị tỏi ớt, mật ong, wasabi, cháy tỏi ớt… Song, sản phẩm được cấp CDĐL hạt điều Bình Phước chỉ có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối, chưa theo kịp xu thế thị trường.
Cùng với đó, nhân sự phụ trách lĩnh vực CDĐL hạt điều Bình Phước cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Ngày 29-8-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND về quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát CDĐL Bình Phước cho sản phẩm hạt điều. Theo đó, các cơ quan quản lý, như Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội Điều Bình Phước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp quản lý CDĐL hạt điều Bình Phước. Tuy nhiên, các cơ quan này đang gặp khó khăn về nhân sự. Nhân sự làm công tác quản lý CDĐL tại các cơ quan này đã mỏng lại thường thay đổi người phụ trách, chưa được tập huấn thường xuyên về công tác chuyên môn khiến hoạt động quản lý CDĐL hạt điều Bình Phước thiếu sự phối hợp, liên tục và kế thừa.
Việc duy trì và phát triển CDĐL hạt điều Bình Phước là khâu then chốt để xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững cho ngành điều Bình Phước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để hỗ trợ phát triển CDĐL cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh nói chung và hạt điều nói riêng, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Thị Minh Thúy cho biết: Tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững” diễn ra ngày 6-6 vừa qua, sở đã đề nghị Bộ KH&CN chỉ đạo triển khai thực hiện, xem xét đưa vào một số nhiệm vụ cấp quốc gia về: “Nghiên cứu quy định pháp luật về bảo hộ CDĐL và hỗ trợ đăng ký bảo hộ CDĐL tại Trung Quốc cho sản phẩm hạt điều Bình Phước” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được phê duyệt; “Quảng bá và phát triển CDĐL hạt điều Bình Phước” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, để triển khai thực hiện từ năm 2025.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) cho biết: Để phát triển, phát huy CDĐL cần rà soát, nghiên cứu đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký CDĐL hạt điều Bình Phước cho người dân và doanh nghiệp; quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát CDĐL Bình Phước đối với sản phẩm hạt điều, đảm bảo chặt chẽ và khoa học. Cần nhìn nhận lại việc cấp CDĐL đối với các sản phẩm điều sản xuất, chế biến chuyên sâu có nguồn gốc nguyên liệu hạt điều Bình Phước từ vùng nguyên liệu tại các địa phương thuộc vùng trồng đã được cấp CDĐL. Vì vùng nguyên liệu, hộ dân, hợp tác xã được cấp CDĐL đã thực hiện nghiêm theo các quy định và đạt tiêu chuẩn, quy định đưa ra như chất lượng dinh dưỡng, hương vị, loại hạt…
Hiện cây điều đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh. Để giữ vững vùng nguyên liệu điều ổn định trong tình hình hiện nay, nông dân mong sớm có các chính sách như: hỗ trợ tín dụng đối với người trồng điều, liên kết và tiêu thụ sản phẩm điều; triển khai CDĐL hạt điều Bình Phước đến người dân ngày càng rộng rãi hơn.
Phát triển chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước bền vững
Để phát huy giá trị CDĐL hạt điều Bình Phước, thời gian qua, Sở KH&CN chú trọng đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, trong đó tập trung lĩnh vực truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hạt điều có CDĐL Bình Phước thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác. Giám đốc Sở KH&CN Bùi Thị Minh Thúy cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp sản xuất hạt điều được cấp quyền sử dụng CDĐL. Đơn vị đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt điều trên địa bàn tỉnh ứng dụng giải pháp tem điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có 7 doanh nghiệp đã được cấp quyền sử dụng CDĐL hạt điều Bình Phước với 349.400 tem điện tử, so với năm 2020 chỉ có hơn 100.000 tem điện tử. Đồng thời, cung cấp miễn phí tài khoản đăng nhập vào hệ thống phần mềm VNPT Check để quản lý mã tem đã được hỗ trợ. Thông qua việc khách hàng quét tem truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thêm số liệu để phân tích tình hình sử dụng của người tiêu dùng đối với sản phẩm hạt điều. Đồng thời, Sở KH&CN thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho sản phẩm mang CDĐL.
Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo để phát triển CDĐL, trên địa bàn tỉnh đã có sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng hạt điều Bình Phước, mở ra hướng nghiên cứu mới ứng dụng AI để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hạt điều Bình Phước.
Để phát huy CDĐL hạt điều Bình Phước, trong quá trình xây dựng và triển khai hệ thống quản lý CDĐL cần gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Khai thác, phát triển CDĐL theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Duy trì, quản lý và phát triển chất lượng giống điều bản địa của tỉnh. Tăng cường áp dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mang CDĐL. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào các khâu trong chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị cao có nguồn gốc từ hạt điều mang CDĐL Bình Phước. Nâng cao năng lực Hội Điều Bình Phước và các chi hội, hợp tác xã sản xuất điều tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý sản phẩm được bảo hộ CDĐL. Tăng cường công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng sau khi cấp quyền sử dụng CDĐ.