Những lời căn dặn dành cho Móng Cái trong 2 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, chính là nguồn động lực lớn lao, là sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố luôn đoàn kết, chung sức xây dựng vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc đẹp, giàu như mong muốn của Người.
Sinh thời Bác Hồ đã 2 lần về thăm Móng Cái. Lần đầu tiên là ngày 19 và 20/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm tỉnh Hải Ninh (nay là TP Móng Cái). Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng. Bác cũng gửi lời hỏi thăm nhân dân Đông Hưng và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đã sang giúp đỡ Hải Ninh. Trong buổi nói chuyện, Bác nhắc đến 2 nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn này là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác nhấn mạnh: “Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc. Đã sẵn có truyền thống đoàn kết, nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt – Trung. Đoàn kết là sức mạnh; có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành”.
Lần thứ 2 Bác về thăm là ngày 8/5/1961. Bác đã đến thăm, nói chuyện với bà con nhân dân, các cháu học sinh ở Trà Cổ.
Ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác Hồ khi về thăm, vùng đất và con người Móng Cái đã tạc nên những dấu ấn tự hào. Từ một huyện thuần nông nghèo nơi địa đầu Tổ quốc, Móng Cái đã vươn mình trỗi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một địa phương ven biên, ven biển, nơi cửa ngõ mở ra thế giới.
Thực hiện chủ trương mở cửa biên giới, bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (tháng 2/1989), với đường lối mở cửa, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ hợp tác đối ngoại, Móng Cái đã đón nhận thời cơ, vận hội chuyển mình, vững bước đi lên, có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 1996 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép Móng Cái được áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp tại khu vực biên giới. Quyết định này đã đưa Móng Cái thành một điểm sáng trên bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 2012, KKT Cửa khẩu Móng Cái được thành lập. Nhờ những cơ chế, chính sách đặc thù và sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, những năm qua Móng Cái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế – xã hội vùng biên.
Dấu ấn nổi bật hiện nay là phát triển kinh tế trên 4 trụ cột: Trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu, logistics; trung tâm du lịch quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Nhờ thu hút đầu tư hiệu quả, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, gắn với phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc… đã giúp cho khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các tiểu vùng được rút ngắn.
Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, với mục tiêu giảm dần tỷ trọng đầu tư từ ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hình thức huy động vốn, trọng tâm là hình thức hợp tác công – tư (PPP) để đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi, bến cảng, bến thuỷ nội địa, các điểm thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hoá…
7 tháng năm 2024 tổng kim ngạch XNK hàng hoá qua địa bàn đạt 2.325,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2023 (CK); 447 doanh nghiệp mới làm thủ tục XNK qua địa bàn, tăng 76 doanh nghiệp CK; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt 5.922,163 tỷ đồng, tăng 12,5% CK; tổng khách du lịch đến Móng Cái đạt 2,4 triệu lượt, tăng 60% CK; nộp NSNN về dịch vụ du lịch trên 140 tỷ đồng, tăng trên 110% CK; giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) đạt 3.619,9 tỷ đồng, tăng 29,2% CK; tổng thu NSNN đến ngày 29/7/2024 đạt 3.171.341 triệu đồng; thu nội địa đạt 1.075.147 triệu đồng, đạt 93,5% dự toán tỉnh, 65% dự toán thành phố. Đến ngày 15/7/2024 thành phố giảm 43/57 hộ cận nghèo…
Cùng với đó, thông qua loạt các giải pháp được thành phố quán triệt, thực hiện đồng bộ, đã giúp cho văn hoá – xã hội có chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả rõ nét. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại, ngoại giao nhân dân được mở rộng, tăng cường và có nhiều đổi mới, hoạt động đối ngoại chủ động, hiệu quả, giữ “trong ấm, ngoài êm”, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.
Khắc ghi lời dạy của Người, nhân dân, cán bộ TP Móng Cái đã và đang nỗ lực đưa tỉnh Hải Ninh xưa – TP Móng Cái ngày nay, phát triển nhanh, mạnh, bền vững.