Thông qua các phong trào, cuộc vận động được triển khai sâu rộng, MTTQ tỉnh đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, huy động nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội để đóng góp vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của tỉnh nhà. Trong đó phải nói tới những chuyển biến mạnh mẽ về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.
Những mô hình xuất phát từ cuộc sống
Từ vai trò chủ trì, phối hợp triển khai của Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiều cuộc vận động, phong trào được lan tỏa đến các khu dân cư với sức sống mạnh mẽ. Tiêu biểu như “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”…, được cụ thể hóa thành các mô hình, phần việc, huy động sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.
5 năm qua, MTTQ các cấp TP Cẩm Phả đã huy động trên 15.000 suất quà trao tặng vào các dịp lễ, Tết; thăm hỏi, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, thiên tai đột xuất…, tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn mà thành phố có “Nhà đại đoàn kết” được xây mới, sửa chữa nhiều nhất từ trước đến nay (313 nhà), tổng trị giá gần 25 tỷ đồng; trong đó hơn 80% kinh phí được MTTQ và các tổ chức thành viên kêu gọi, huy động xã hội hóa.
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Cẩm Phả, cho biết: Thành công của các chương trình an sinh xã hội là nhờ khơi dậy truyền thống nhân ái, đoàn kết của dân tộc, tiếp tục phát huy trong đời sống mới. Kết quả này cũng cho thấy sự tin tưởng, tín nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân dành cho hệ thống MTTQ, đã và đang làm tốt vai trò cầu nối trao gửi tấm lòng thơm thảo của cộng đồng đến đúng địa chỉ, đầy đủ, kịp thời, minh bạch.
Các cấp MTTQ tỉnh còn ghi dấu ấn trong việc đoàn kết, tập hợp nhân dân triển khai các mô hình tự quản, góp phần xây dựng những khu dân cư văn hóa, đoàn kết, tiến bộ. Tiêu biểu: MTTQ phường Mạo Khê (TX Đông Triều) với mô hình “Khu dân cư đoàn kết phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao”; MTTQ xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) với mô hình “Vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu”…
Bà Vi Thị Tứ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tiên Yên, chia sẻ: Đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp đã làm tốt ngay từ công tác thông tin, tuyên truyền; đề ra các tiêu chí đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, có định lượng cụ thể và xác định rõ chủ thể là nhân dân. Đội ngũ các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín của cộng đồng khu dân cư… tích cực tham gia, trở thành hạt nhân cho phong trào.
Một điểm sáng nữa là đưa tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm trở thành nét đẹp văn hóa đời sống mới. Từ năm 2003 đến nay, Ngày hội luôn được tổ chức với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán, nghi thức tôn giáo… của từng địa phương, cơ sở. Dịp này, nhiều khu dân cư lồng ghép sinh hoạt, thảo luận về xây dựng gia đình hạnh phúc; chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thăm hỏi, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; ra quân chỉnh trang diện mạo đường ngõ xóm… Công tác mặt trận đã đóng góp tích cực cho mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh thời kỳ mới.
Để văn hóa là động lực cho sự phát triển
Bằng những việc làm, mô hình thiết thực, ý nghĩa, các cấp MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã huy động được sức mạnh của toàn dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Nhìn từ 5 nội dung cụ thể của cuộc vận động lớn mà MTTQ chủ trì là “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” mà UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp triển khai từ năm 2001… đều cho thấy sự vào cuộc đầy tích cực với nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh. Đó là đẩy mạnh hoạt động thể thao, văn hóa; chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; khuyến khích thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn cảnh quan, diện mạo môi trường sống; xây dựng xã hội học tập…
MTTQ các cấp triển khai tốt chương trình giám sát, phản biện xã hội hằng năm, đóng góp tiếng nói uy tín, trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được MTTQ phối hợp kiện toàn, hướng dẫn hoạt động, đã tham gia giám sát tốt việc thực hiện các công trình, dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa tại cơ sở. Qua đó nguồn lực nhân dân đóng góp, ngân sách của nhà nước… được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Nổi bật là MTTQ tỉnh giám sát chuyên đề về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện các quy định về nêu gương, chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW. MTTQ còn duy trì giám sát thường xuyên đối với CBCCVC trong hệ thông chính trị về thực hiện vai trò nêu gương gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Những góp ý, kiến nghị của MTTQ đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời chấn chỉnh, xử lý các biểu hiện thiếu gương mẫu của đội ngũ CBCCVC, góp phần xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở.
Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029, diễn ra cuối tháng 7/2024. Trong những mục tiêu đề ra có việc quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh là động lực chủ yếu, là mục tiêu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên theo phương châm hướng mạnh về cơ sở để tập trung xây dựng khu dân cư “Đoàn kết, đồng thuận, an ninh, an toàn, ấm no, hạnh phúc”.