Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, thước đo bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế. Từ đó, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, với tinh thần chủ động, quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP (ngày 21/4/2023) của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. UBND tỉnh cũng đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển đổi số.
Ở lĩnh vực TTHC, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm, tái cấu trúc quy trình, phân cấp, ủy quyền tối đa cho cán bộ thẩm định, phê duyệt hồ sơ ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Hiện nay đã có 1.297/1.340 TTHC của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; cấp huyện, xã là 410 TTHC (đạt 100%); 100% TTHC được xây dựng quy trình giải quyết đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã công bố, tích hợp, kiểm thử 1.000 TTHC cấp tỉnh lên cổng dịch vụ công của tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, định hướng của tỉnh, Quảng Ninh thực hiện công bố thông tin đầy đủ, minh bạch đối với các thông tin quan trọng như dự án, quy hoạch, các thủ tục pháp lý… có khả năng ảnh hưởng tới việc ra quyết định của nhà đầu tư; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.
Trong những tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành điện, các doanh nghiệp FDI trong KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Tổ chức các buổi “Cafe doanh nhân” với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cung cấp dịch vụ công tiện ích, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, phát triển bền vững lâu dài tại tỉnh. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng hợp lý trên cơ sở nâng cao khả năng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân được tiếp cận tín dụng. Trong đó, ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, như: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; công nghệ cao…
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 20 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất với số tiền 6,1 tỷ đồng; có 247 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng trị giá trên 960 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện giảm khoảng 1.740 tỷ đồng và gia hạn 1.855 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 20/UBTVQH15 (ngày 6/7/2022), Nghị quyết số 30/UBTVQH15 (ngày 30/12/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 15/NĐ-CP (ngày 28/1/2022) và Nghị định số 44/NĐ-CP (ngày 30/6/2023) của Chính phủ.
Đối với các mặt hàng sản xuất của doanh nghiệp, thông qua các kênh xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, tỉnh đã và đang hỗ trợ đưa thông tin sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật, bột mì mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Từ những hỗ trợ bước đầu của tỉnh, đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh có thêm 1.101 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023, với số vốn đăng ký ước đạt trên 14.100 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 7/2024, trên địa bàn Quảng Ninh có 11.566 doanh nghiệp đang hoạt động. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%; giải quyết việc làm cho gần 120.000 lao động, với mức lương bình quân khoảng 9,3 triệu đồng/người/tháng.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Theo báo cáo khảo sát của ngành chức năng cho thấy, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới và chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh có cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp này gặp phải chủ yếu là tiếp cận vốn tín dụng (chiếm khoảng 58% doanh nghiệp); tìm kiếm khách hàng (chiếm 53% doanh nghiệp); biến động thị trường (chiếm 25%); tìm kiếm nhà cung cấp (chiếm 23%); tìm kiếm đối tác kinh doanh (chiếm 19%); hậu quả sau dịch bệnh Covid-19 (chiếm 15%); tìm kiếm nhân sự thích hợp (chiếm 11%); biến động chính sách pháp luật (chiếm 10%); thực hiện các thủ tục pháp lý (chiếm 8%); cơ sở hạ tầng hạn chế (chiếm 7%); tìm kiếm mặt bằng kinh doanh (chiếm 7%).
Chính vì những khó khăn, vướng mắc này, năm 2023 đã có 1.613 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; trong 7 tháng đầu năm 2024 có 1.260 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều đáng nói là số doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tập trung vào những ngành nghề thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ, du lịch.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Doanh nghiệp ngừng hoạt động gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh chủ yếu do chi phí đầu vào gia tăng, nguồn cung vật liệu không ổn định, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, đứt gãy chuỗi liên kết, cạn kiệt nguồn vốn. Cùng với đó, nhu cầu trong các ngành kinh tế đều giảm, nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới giảm mạnh, nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Nhìn ở một góc độ khác, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ của tỉnh phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, kết nối kinh tế nông thôn – đô thị, công nghiệp – dịch vụ còn hạn chế. Việc đổi mới dây chuyền, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, giá trị hàng hóa xuất khẩu còn thấp; quản trị doanh nghiệp còn kém, chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên gặp khó khăn trong việc đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; chưa có sự tham gia liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp; chưa chủ động trong chuyển đổi số.
Trước mục tiêu từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trung bình hằng năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh; đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp theo Chương trình VNR 500, các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần chủ động hơn nữa trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả 12 nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Kế hoạch số 152/KH-UBND (ngày 17/6/2024) của UBND tỉnh, gồm: Tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; công nghệ; thông tin; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Ngày 30/5/2024, tỉnh Quảng Ninh đã khai trương Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số. Các sở, ngành chức năng cần tận dụng hiệu quả của trung tâm này để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các thủ tục doanh nghiệp và đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phát huy hiệu quả của trung tâm để tiếp nhận và phát triển các sáng kiến, thử nghiệm thực tế, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Đơn vị sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn.