Với “Ma da”, Việt Hương cho thấy sự lăn xả vì vai diễn. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ để khiến nhân vật cô hóa thân thực sự chạm tới cảm xúc khán giả.
Khó phủ nhận, phim kinh dị Việt đang ngày càng gây được nhiều sự chú ý hơn. Người xem giờ đây được thưởng thức thể loại này theo đúng bản chất nguyên thủy của nó.
Trước đó, phim kinh dị nội địa có hơi hướm lạm dụng hài nhảm: khi biên kịch chưa đủ chắc tay, họ quyết định chọc cười thay vì hù dọa. Vấn đề cố hữu này nay đã được cải thiện. Các nhà làm phim cũng chăm chút hơn về bối cảnh, phục trang, cố gắng tìm tòi những chất liệu sáng tạo. Đó có thể là tín ngưỡng, văn hoá dân gian hay thậm chí là các câu chuyện đô thị linh dị, khiến trải nghiệm của người xem thêm phong phú, mới mẻ.
Mới đây nhất, Ma da của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng lựa chọn khai thác truyền thuyết về oan hồn vùng sông nước, nỗi ám ảnh được truyền tai qua nhiều thế hệ. Tác phẩm gây chú ý vì đề tài lạ, bên cạnh đó còn là sự xuất hiện của nghệ sĩ Việt Hương trong vai chính.
Nỗ lực của Việt Hương
Chỉ sau ít ngày ra mắt, Ma da đã dắt túi 50 tỷ đồng, vượt qua nhiều đối thủ để dẫn đầu bảng tổng sắp phòng vé. Nội dung phim cùng những câu chuyện bên lề cũng trở thành đề tài gây tranh luận trên các trang mạng xã hội.
Với thời lượng 95 phút, Ma da theo chân bà Lệ (Việt Hương đóng) hành nghề trục xác. Chồng mất sớm, nhân vật sống cùng con gái nhỏ tại căn chòi ven sông. Thế nhưng, bi kịch xảy ra sau lần bà Lệ vớt xác cậu bé tên Hiếu. Theo lời người trong xóm, Hiếu chết đuối do bị ma da kéo giò. Việc gây thù chuốc oán với nó đẩy gia đình bà Lệ rơi vào tình thế nguy hiểm.
Không lâu sau, Nhung, con gái bà, bị ma da kéo mất tích.
Nhân vật bà Lệ có thể nói là vai diễn lăn xả nhất sự nghiệp kéo dài 3 thập kỷ của Việt Hương. “Đây là lần đầu tôi đóng một vai nguy hiểm đến vậy. Tôi mất thời gian dài học lặn, học cách tồn tại dưới nước…”, nữ diễn viên tâm sự trong buổi ra mắt tác phẩm trước báo giới. Cô cho biết phải ghi hình tại vùng sông nước Cà Mau hơn một tháng trời, ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ mỗi ngày hay liên tục gặp phải những vấn đề sức khỏe…
Người xem dễ thấy điều đó qua tạo hình nhân vật của Việt Hương trong phim. Bà Lệ hiện lên lam lũ, khắc khổ, nước da sạm đi vì cháy cháy nắng, mái tóc ngắn bết bát mồ hôi, gương mặt nhiều nếp nhăn và đồi mồi cùng đôi mắt trũng sâu, lắm nỗi ưu phiền…
Công bằng mà nói, màn thể hiện của Việt Hương nằm ở mức ổn. Cô dám lăn xả với nhiều cảnh quay khó, đòi hỏi sức lực và cả sự cố gắng. Ví như những cảnh bà Lệ phải liên tục ngụp lặn dưới dòng nước mênh mang, tìm kiếm xác người đuối nước đang bị mắc kẹt để đưa về bờ.
Hồi đầu năm nay, Việt Hương từng gây thất vọng với màn tái xuất trong Trà (Lê Hoàng đạo diễn). Lối thể hiện “overact” khi thường xuyên lên gân, với những biểu cảm trợn mắt, quằn quại khoa trương khiến nhân vật trở nên kịch, khó tạo đồng cảm. Song sang đến Ma da, Việt Hương đã có sự tiết chế, không làm lố, cũng không còn những màn pha trò, quăng miếng chọc cười khán giả.
Nhân vật bà Lệ cho thấy sự nghiêm túc hơn của nữ nghệ sĩ trong diễn xuất điện ảnh: tinh tế và có sự chủ đích đào sâu nội tâm. Ở những cảnh bà Lệ ngồi đơn độc, miệng hút thuốc và mắt nhìn xa xăm về phía sông nước bất tận, người xem cảm nhận được phần nào những tâm sự ngổn ngang trong lòng nhân vật, chẳng cần bất cứ lời thoại hay hành động nào diễn giải.
Xây dựng nhân vật cẩu thả
Song thực tế, dù được đặt tại trung tâm tác phẩm, vai diễn bà Lệ vẫn không để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người xem khi hành trình phim khép lại.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song lớn nhất là việc nhân vật thiếu mất “mục tiêu” xuyên suốt lộ trình phát triển trong một kịch bản điện ảnh. Xây dựng bà Lệ là nhân vật chính, nhưng Ma da không trả lời được câu hỏi nhân vật cần gì và muốn gì. Xa hơn nữa là tại sao phải hành động như vậy.
Bà Lệ hành nghề vớt xác, đạo diễn sớm nói cho khán giả biết điều đó. Thế nhưng vì sao nhân vật chọn nghề này, và điều gì giữ bà trụ lại với nghề lâu tới vậy lại chưa được giải đáp thích đáng. Có chăng, người xem chỉ nắm được manh mối qua một cảnh hồi tưởng mơ hồ, cùng câu thoại “nghề nó chọn con chứ con đâu có chọn nghề”. Tức theo lời bà Lệ, bà làm nghề vớt xác vì “có căn”: cái nghề này “chọn” bà sau lần nhân vật tự tay đưa lên bờ người chồng chết đuối.
Viện cớ này quá mỏng so với những khó khăn, thách thức mà biên kịch ném cho nhân vật: từ liều mạng đi vớt xác bất kể sớm khuya, đối diện với lời dị nghị của người đời, cho tới việc dần đánh mất sợi dây kết nối với con gái – động lực sống duy nhất của bà Lệ ở thời điểm hiện tại.
Không dưới 3 lần, nhân vật được khuyên bỏ nghề. Trong đó, ông bác sĩ (Trung Dân thủ vai) từng nhắn nhủ “Mày và gia đình phải cẩn thận” sau khi biết bà đắc tội với ma da. Thế nhưng, đáp lại chỉ là sự thờ ơ tới khó tin của bà Lệ. Dù hàng ngày chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm, biết rõ câu chuyện ma kéo giò đang được dân làng truyền tai, hay kể cả khi thấy Nhung sợ sệt kể lại chuyện bị người đàn bà kỳ dị muốn bắt đi, bà Lệ vẫn dửng dưng trước an nguy của con gái.
Người xem không khỏi thắc mối bận tâm thật sự của nhân vật là gì, và liệu rằng có bí mật nào đằng sau việc bà Lệ bất chấp hạnh phúc tổ ấm nhỏ để thực hiện công việc nguy hiểm. Cả hai chi tiết này trên thực tế đều bị biên kịch lãng quên.
Thay vì đào sâu nội tâm nhân vật trên hành trình khám phá những bí ẩn, góc khuất của nghề trục xác, chuyện phim sa đà vào hành trình giải cứu con với những cảnh dọa ma tẻ nhạt, dàn dựng cũ kỹ và dễ đoán, mang lại cảm giác như những phim kinh dị cách đây cả vài thập niên. Sự phát triển tâm lý của bà Lệ lẽ ra đã để lại ấn tượng sâu sắc hơn, nếu đạo diễn cho người xem thấy được hành trình làm nghề tác động tới nhân vật thế nào, hay những thách thức đó đẩy nhân vật tới giới hạn của sự đấu tranh và tiến về phía trước ra sao.
Sự bị động và đơn điệu trong tâm lý nhân vật tiếp tục được thể hiện trong loạt hành động sau khi bé Nhung mất tích. Bà Lệ khóc, như một lẽ thường tình của việc người mẹ mất con. Song, giọt nước mắt rơi ít giá trị, vì chỉ mang ý nghĩa là sự hối hận muộn màng. Trước đó, nhân vật hiếm khi cho thấy những hành động, lời nói hay cử chỉ thể hiện tình thương con, nên chuỗi phản ứng tâm lý như hốt hoảng, bất lực, tuyệt vọng để rồi bất chấp tất cả tìm lại bé Nhung trên thực tế không hợp tình hợp lý.
Ở phân đoạn cao trào bùng nổ, Việt Hương làm chưa tới. Những điểm nối giữa hai thái cực cảm xúc từ một người đàn bà trầm lặng, lắm nỗi ưu phiền tới mức tuyệt vọng, “phát điên” vì đánh mất con được thể hiện không đủ thuyết phục. Một phần do cách biên kịch xây dựng lộ trình tâm lý nhân vật còn vụng, phần khác vì nữ diễn viên phải liên tục “gồng” ở hồi cuối phim. Những cảnh chiến đấu với hồn ma, hay bị ma nhập nhìn không thật, cùng cách dựng phim sến, cũ kỹ khiến người xem thay vì sợ lại phải bật cười.
Cách xử lý cú plot-twist cuối phim theo kiểu câu nước mắt cũng đã xưa cũ. Nó chẳng những không giúp cho nhân vật Lệ tạo được đồng cảm sâu sắc, mà còn làm cho hành trình của người đàn bà vớt xác này trở nên mờ nhạt, đáng quên hơn.