Với lợi thế là phần lớn xã, phường nằm dọc ven biển, những năm qua TP Hạ Long luôn chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (logistics) trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, cho biết: Quảng Ninh nói chung, TP Hạ Long nói riêng đã kịp thời thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Công tác cải cách TTHC tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển ngày càng được chú trọng…
Được biết, TP Hạ Long đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền; vận động người dân, doanh nghiệp nhận thức được vai trò, ý nghĩa của phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển đối với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, thành phố phối hợp cùng các sở, ngành tham gia bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk Quảng Ninh); trả lời kiến nghị của Chi hội tàu du lịch Hạ Long về việc đóng mới tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp mới trên địa bàn. Từ năm 2023 đến nay, thành phố có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Cùng với đó, TP Hạ Long tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ cảng biển. Năm 2023, Hạ Long dẫn đầu 13 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đối với 3 chỉ số: PAR INDEX, DDCI và DTI. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống giải quyết TTHC được kết nối liên thông giữa cổng dịch vụ công của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 99%.
Thành phố tiếp tục phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai trong giải quyết các TTHC đối với hàng hóa tại các cảng. Nhờ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hải quan nên thời gian thông quan hàng hóa được giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị XNK.
Cùng với đó, hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn thành phố dần được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các dịch vụ thương mại, XNK và đón khách du lịch của các doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long có hệ thống cảng nước sâu Cái Lân gồm 7 bến; Cảng khách quốc tế Hạ Long; Cảng khách quốc tế Tuần Châu. Ngoài ra còn có hệ thống các bến cảng chuyên dùng, như: Cảng dầu B12, Nhà máy xi măng Thăng Long, Nhiệt điện Thăng Long, Xi măng Hạ Long.
Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ tại cảng khách quốc tế, trong đó tập trung tại Cảng khách quốc tế Hạ Long với tiêu chuẩn cảng khách quốc tế được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hiện đại. Khu vực cảng tàu khách được khai thác theo mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích”, gồm nhà ga, nhà hàng, khu bán hàng lưu niệm… liên kết chặt chẽ, đồng bộ, hiện đại thành chuỗi cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long còn có Cảng Quảng Ninh và Cảng CICT. Đây đều là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực cấp I. Trong đó định hướng Cảng Quảng Ninh chuyên khai thác hàng rời; Cảng CICT chuyên khai thác hàng container, kết hợp với khai thác hàng rời.
Cùng với sự phát triển của hệ thống cảng biển, dịch vụ cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn TP Hạ Long đang dần hình thành và đầu tư. Thành phố đang tiếp tục phối hợp thúc đẩy phát triển dịch vụ giao nhận hàng hóa, các dịch vụ sau cảng tại bến cảng tổng hợp Cái Lân; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (hiện có 12 đại lý làm thủ tục hải quan tại khu vực Hạ Long); dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển, phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển hạ tầng các CCN…
Nhờ đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trung bình đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, chiếm 11,3% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của toàn tỉnh. Tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cảng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2023 đạt 35.581,8 triệu USD.