Đó là dự báo của nhiều chuyên gia về giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào kỳ điều hành giá chiều nay 22/8.
Theo đó, đại diện của nhiều doanh nghiệp dự báo, nếu liên bộ Tài chính – Công Thương không chi, không trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm từ 500 – 550 đồng/lít.
Diễn biến này được cho là phù hợp với xu hướng của giá dầu trên thế giới. Cụ thể, từ đầu tuần đến nay, giá dầu thế giới giảm tới hơn 3% ở hai phiên giao dịch, xuống mức thấp nhất hai tuần. Trong khi đó tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua cũng giảm nhẹ so với kỳ trước đó.
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đưa ra dự báo, tại kỳ điều hành chiều nay 22/8, giá xăng dầu giảm nhẹ 0,4 – 1,5%. Cụ thể, nếu liên bộ Tài chính – Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng E5 RON92 có thể giảm 254 đồng, về mức 20.626 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 333 đồng và về mức 21.517 đồng/lít.
Giá dầu bán lẻ kỳ này cũng được dự báo giảm, trong đó dầu mazut giảm khoảng 1,1% về mức 16.061 đồng/kg, dầu diesel giảm 0,8% về mức 19.083 đồng/lít, dầu hỏa giảm 0,4% về mức 19.501 đồng/lít.
VPI cũng đưa ra dự báo, liên bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục không trích lập hay chi quỹ bình ổn xăng dầu trong kỳ điều hành này.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất 15/8, giá xăng đã tăng sau khi giảm 5 kỳ liên tiếp trước đó. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 167 đồng/lít, không cao hơn 20.882 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 179 đồng/lít, không cao hơn 21.852 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng tăng: dầu diesel tăng 89 đồng/lít, không cao hơn 19.230 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 161 đồng/lít, không cao hơn 19.572 đồng/lít và dầu mazut tăng 217 đồng/kg, không cao hơn 16.245 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 22/8, giá dầu Brent giao dịch ở mức 76,05 USD/thùng, giảm 1,15 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,93 USD/thùng, giảm 1,24 USD/ounce.
Giá dầu suy giảm sau dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng tại Mỹ đã tạo ra ít việc làm hơn nhiều so với báo cáo ban đầu. Theo ước tính của Bộ Lao động Mỹ, tổng số việc làm có lương trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 đã giảm 818.000. Theo Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics, dữ liệu việc làm đã góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng niềm tin.
Ngoài ra, cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/8, tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đồng loạt giảm. Tồn kho dầu thô giảm 4,6 triệu thùng xuống 426 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với kỳ vọng là giảm 2,7 triệu thùng của các nhà phân tích.
Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất giảm lần lượt 1,6 triệu thùng và 3,3 triệu thùng. Trong khi đó, những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc tiếp tục làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nguồn cầu.