Từ ngày 5 đến 15/8, đoàn chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), đơn vị tư vấn cho Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO tiến hành thẩm định thực địa hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới. Trước sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương, đoàn chuyên gia ICOMOS đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc khoanh vùng và bảo vệ di tích.
Ngày 7 và 8/8, đoàn chuyên gia ICOMOS đã đi thẩm định thực địa tại 14 cụm, điểm di tích thuộc Khu di tích và danh thắng Yên Tử để đánh giá tính toàn vẹn, tính xác thực; công tác bảo vệ, quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản được đề cử. Trong đó, các di tích bao gồm cả thiên tạo, nhân tạo, có lịch sử lâu đời thể hiện các giá trị phong phú của Khu di tích và danh thắng Yên Tử – một trong những khu vực trung tâm của Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được Việt Nam gửi hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Ngày 10/8, đoàn chuyên gia ICOMOS đã tiến hành thẩm định thực địa tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên). Theo hồ sơ di sản đề cử, các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thể hiện vai trò, ảnh hưởng của tư tưởng nhà Trần, của tinh thần Phật giáo trong đời sống Đại Việt. Di tích cũng là biểu tượng của nghệ thuật quân sự, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc giúp nhà Trần xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, yêu chuộng hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên.
Trọng tâm trong chuyến thẩm định của đoàn chuyên gia ICOMOS là kiểm tra, rà soát việc khoanh vùng, cắm mốc giới vùng 1, vùng 2 ở tất cả cụm, điểm di tích; các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đã thực hiện trong những năm qua; các báo cáo kết quả, hồ sơ, tài liệu, công trình nghiên cứu về khu di tích; hồ sơ báo cáo kết quả sơ đồ, hình ảnh những đợt khai quật khảo cổ tại các di tích; rà soát việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, cũng như kế hoạch quản lý khu di tích; rà soát hệ thống biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn tại khu di tích…
Tại 2 khu di tích trên, nhiều vấn đề quan tâm của đoàn chuyên gia được đại diện TP Uông Bí, TX Quảng Yên, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước làm rõ, như: Tính xác thực của di tích; công tác khoanh vùng, cắm mốc, cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích; quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử; những câu chuyện về giá trị lịch sử, văn hóa của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc; mối liên quan giữa Di tích bãi cọc Bạch Đằng với Khu di tích và danh thắng Yên Tử, cũng như với các di sản khác trong hồ sơ đề cử…
Ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS, cho biết: Việc thẩm định thực địa là một trong những thủ tục bắt buộc để UNESCO xem xét, đánh giá Quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản văn hóa của nhân loại trong Kỳ họp thứ 47 tổ chức vào năm 2025. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc khoanh vùng bảo vệ các di tích, cũng như việc giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân, du khách để thực hiện tốt những khuyến cáo của UNESCO. Tại một số điểm di tích, chúng tôi thường xuyên nhận thấy có rất nhiều học sinh đến tham quan, học tập, đây cũng là cách làm rất hay để lan tỏa giá trị của di tích cho thế hệ trẻ. Qua chuyến khảo sát thực địa, chúng tôi có được cái nhìn tổng thể, rõ nét hơn về giá trị của quần thể di tích, cũng như đã có thêm những đánh giá sát thực nhất để góp phần giúp cho công tác khoanh vùng, bảo vệ di tích trong ngắn hạn và tương lai ngày một tốt hơn.
Ngay sau chương trình thẩm định thực địa tại Quảng Ninh, từ ngày 12 đến 14/8, đoàn chuyên gia ICOMOS đã tiếp tục làm việc tại các di tích thuộc tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang.
Theo PGS TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, việc thẩm định thực địa hồ sơ là một thủ tục bắt buộc và song song với thủ tục này cũng sẽ có một đội ngũ chuyên gia quốc tế khoảng 40-50 người cùng kiểm tra, đánh giá, xem xét hồ sơ. Qua chuyến đồng hành cùng với các chuyên gia của ICOMOS, tôi đánh giá công tác chuẩn bị của tỉnh Quảng Ninh rất chu đáo và kỹ lưỡng, từ công tác truyền thông, chỉnh trang di tích, đến xây dựng các biển, bảng quy chế, nội quy, vệ sinh môi trường. Tin tưởng rằng, với những đánh giá cao của chuyên gia ICOMO, Quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ sớm được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, tiếp tục đánh dấu một cột mốc quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.