Trong chăn nuôi, cùng với các biện pháp an toàn sinh học, tiêm vắc-xin là giải pháp tối ưu để chủ động bảo vệ đàn lợn. Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, việc thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cần được các địa phương quan tâm hơn nữa.
Giữa tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện ổ dịch tả châu Phi đầu tiên tại TP Móng Cái. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), từ ngày 14/5-9/8/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 500 hộ ở 87 thôn, khu của 32 xã, phường trên địa bàn 9 địa phương, bao gồm: Móng Cái, Đầm Hà, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí, Bình Liêu, Hạ Long với tổng số lợn chết, tiêu hủy là 3.661 con, tổng trọng lượng trên 160.000kg. Đánh giá của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh, thành phố có dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất và hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra là ở những đàn lợn chưa được tiêm phòng vắc-xin ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Qua kết quả giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tỷ lệ lưu hành vi rút dịch tả lợn châu Phi trong môi trường chiếm khoảng 3% và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn. Những đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%, vi rút dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Đặc biệt, sản xuất và chăn nuôi tại Quảng Ninh mới đáp ứng được 40% tiêu thụ nội tỉnh, phần lớn là nhập từ các địa phương lân cận, vì vậy nguy cơ lây lan dịch luôn ở mức cao. Cùng với biến động bất lợi về giá cả vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi thêm một lần nữa đã và đang tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Điều này, tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tháng 7/2024, Chi cục phối hợp đơn vị sản xuất là Công ty CP AVAC Việt Nam đánh giá thử nghiệm vắc-xin tại TP Móng Cái, địa phương hiện có khoảng 15.000 con lợn. Từ 29/7-5/8/2024, trên địa bàn TP Móng Cái đã có 2.393 con lợn được tiêm phòng thử nghiệm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Trong đợt tiêm phòng thử nghiệm tại xã Hải Xuân và Hải Tiến (từ 29-31/7) đã có 140 hộ dân với tổng số 1.698 con lợn được tiêm; đợt tiêm ngày 5/8 tại phường Hải Yên và xã Hải Đông có 41 hộ với 695 con lợn được tiêm. Tính đến ngày 9/8, đàn lợn được tiêm thử nghiệm vắc-xin tại các xã Hải Tiến, Hải Đông và phường Hải Yên vẫn duy trì ổn định, chưa có phát sinh sự cố sau tiêm phòng. Riêng đàn lợn tại xã Hải Xuân sau khi tiêm 7 ngày có hiện tượng lợn chết, bỏ ăn, kém ăn tại 4 hộ.
Là người từng chứng kiến đàn lợn của gia đình phải tiêu hủy, ông Vương Văn Tân (thôn 6, xã Hải Xuân, TP Móng Cái) hiểu được sự nguy hiểm và bất an khi chăn nuôi chưa có vắc-xin phòng dịch. Do vậy, ông Tân đã mạnh dạn tiêm thử nghiệm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất trên 10 con lợn của gia đình với hy vọng việc tiêm vắc-xin thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi lợn.
Ngoài TP Móng Cái, hiện có thêm TP Hạ Long thực hiện tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi tại các xã Lê Lợi và Thống Nhất từ ngày 2/8/2024. Đến nay, đàn lợn được tiêm ổn định, không phát sinh sự cố sau tiêm. Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Sau tiêm phòng, Chi cục phối hợp chặt chẽ với địa phương và các chủ hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát trong 21 ngày và thực hiện các biện pháp kỹ thuật và xử lý rủi ro sau tiêm phòng. Thông qua việc triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Móng Cái và Hạ Long nhằm đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc-xin dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn tại thực địa, góp phần đảm bảo an toàn chăn nuôi, phát triển sản xuất. Nếu mức độ bảo hộ và sự an toàn cao, Chi cục báo cáo Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh về việc triển khai tiêm phòng trên diện rộng.