Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (15/8) được dự báo quay đầu tăng sau 5 lần giảm liên tiếp.
Ngày mai (15/8) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp. Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent tăng hơn 3,5%, còn giá dầu WTI tăng hơn 4%.
Sang tuần này, sau khi tăng mạnh ở phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống ở phiên giao dịch 13/8.
Ở đầu phiên giao dịch 14/8, giá dầu thế giới tăng nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h49″ ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,12 USD/thùng, tăng 0,53% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,86 USD/thùng, tăng 0,65% so với phiên liền trước.
Tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng nhẹ so với kỳ trước đó.
Theo Giám đốc năng lượng Bob Yawger tại Ngân hàng Mizuho ở New York, nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông, Mỹ có thể áp đặt lệnh cấm vận với xuất khẩu dầu thô của Iran. Do vậy, nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nên giá dầu được hỗ trợ.
Đồng quan điểm này, ông Pierre Veyret- nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades nhận định trong ngắn hạn, giá dầu sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng có thể phá vỡ sản lượng của khu vực sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới và làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.
Tuần trước, ba quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho rằng lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, đủ để Fed cân nhắc cắt giảm lãi suất ngay trong tháng sau. Việc cắt giảm lãi suất có xu hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế khiến việc sử dụng những nguồn năng lượng như dầu mỏ gia tăng.
Ngoài ra, giá dầu thế giới cũng được hỗ trợ khi giá tiêu dùng của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 7/2024.
Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (15/8) được điều chỉnh tăng. Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 320-420 đồng/lít. Còn giá dầu diesel dự kiến tăng từ 250-320 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác thì các mặt hàng xăng trong nước sẽ ghi nhận lần tăng đầu tiên sau 5 lần giảm liên tiếp.
Tại diễn biến khác, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai 15/8 dự báo giá xăng bán lẻ có thể chỉ giảm nhẹ 0,2-0,3%, đưa giá xăng E5 RON 92 về mức 20.666 đồng/lít và xăng RON 95-III về mức 21.600 đồng/lít; giá dầu mazut tăng nhẹ 0,7% lên mức 16.134 đồng/kg, trong khi đó dầu diesel và dầu hỏa được dự báo giảm nhẹ 0,1% lần lượt còn 19.121 đồng/lít và 19.387 đồng/lít.
VPI dự báo liên bộ Tài chính- Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (8/8), giá các loại xăng dầu đã giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 20.710 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 930 đồng/lít, giá bán còn 21.670 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 730 đồng/lít, giá bán ở mức 19.140 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 680 đồng/lít, giá bán về mức 19.410 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này Liên bộ Công Thương – Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 31 phiên điều chỉnh, trong đó có 15 phiên giảm, 14 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.