Từ mức 30kg thịt lợn/người/năm 2021 tăng lên khoảng 33,8 kg/người/năm 2023, Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới.
Thông tin được ông Phạm Kim Đăng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 14/8, tại Hà Nội.
Người tiêu dùng Việt Nam tăng tiêu thụ thịt lợn
Báo cáo của Cục Chăn nuôi dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, các năm 2021, 2022 và 2023, Việt Nam đều đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm 2,4% (2021), 2,5% (2022) và 3% (2023) tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu. Trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4% (sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn).
Tiêu thụ thịt lợn kg/đầu người trong những năm gần đây của Việt Nam đã dần tăng lên, cụ thể: Năm 2021 khoảng 30 kg thịt lợn xẻ/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg thịt lợn xẻ/người/năm và năm 2023 khoảng 33,8 kg thịt lợn xẻ/người/năm.
Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Theo USDA, Trung Quốc hiện chiếm 48%, EU 20%, Mỹ 11%, Brazil 4%, Nga 4%, Việt Nam 3%.
Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2019 – 2023, đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng đã dần khôi phục lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch.
Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng.
Do đó, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn lợn đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 05 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023.
Cơ cấu thịt lợn trong chăn nuôi của Việt Nam cao hơn trung bình thế giới
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong các tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn so với Quý I/2023 và tương đương các tháng của các quý II-IV/2023 ở cùng thời điểm.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2019 – 2023, cơ cấu đàn vật nuôi của nước ta như sau: chăn nuôi lợn chiếm 60 – 64%; gia cầm 28 – 29% (trong đó, gà lông màu 11%, gà trắng 11%, ngan, vịt 7%) còn lại là trâu, bò, dê, cừu (chiếm 9%). Trong khi, cơ cấu sản lượng thịt thế giới năm 2022, thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò (22%). Như vậy, cơ cấu thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.
Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, Việt Nam đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 – 7%/năm, riêng năm 2019 – 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 – 20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 – 65%. Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát…) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng, chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (đàn lợn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023).
Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.