Những năm qua, huyện Vân Đồn đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phát triển KT-XH, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng cải thiện, số hộ khá giàu ngày càng tăng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoa (thôn 11, xã Hạ Long) có nghề trồng rau và hoa từ nhiều năm nay. Do thiếu đất sản xuất, nên trước đây thu nhập của gia đình rất thấp. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ năm 2014 đến nay, gia đình đã thuê hơn 1.000m2 đất nông nghiệp bị bỏ hoang để trồng các loại hoa và rau.
Việc xen canh gối vụ nhiều loại cây trên cùng một diện tích canh tác đã giúp gia đình tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp, tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất, tăng sự đa dạng sinh học, hạn chế côn trùng, sâu bọ gây hại cho cây trồng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi từ 400-500 triệu đồng.
Năm 2018, gia đình chị Đinh Thị Lâm (thôn Khe Mai, xã Đoàn Kết) đã cải tạo hơn 3ha đất vườn tạp để chuyển sang trồng cây ăn quả. Tính đến nay, gia đình có 1.200 cây thanh long, 1.000 cây ổi và 500 cây sim. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng hữu cơ, toàn bộ cây trồng đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng.
Nhận thấy du lịch kết hợp nông nghiệp có triển vọng phát triển, phù hợp với xu hướng hiện nay, năm 2023, chị Lâm đã đầu tư một số căn homestay cạnh vườn cây trái, đồng thời kết hợp với các thành viên trong HTX Khe Mai Xanh do chị làm Phó Giám đốc liên kết mở rộng vùng trải nghiệm cũng như cung ứng nông sản. Nhờ đó, chị Lâm và các thành viên trong HTX không chỉ đạt được doanh thu từ du lịch mà còn bán nông sản ngay tại vườn, thúc đẩy tiêu thụ với sản lượng, giá cả tốt hơn. Năm 2023, sản lượng các loại quả bán ra từ vườn của gia đình đạt hơn 10 tấn. Năm 2024, sản lượng dự kiến tăng hơn, ước đạt 15 tấn.
Nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Vân Đồn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện.
Huyện đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch nhằm tạo động lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng. Đến nay, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả như: Cảng tàu quốc tế Ao Tiên, bến cập tàu xã Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, tuyến đường 334 từ cầu Vân Đồn đến xã Hạ Long, đường 334 đến cảng Cái Rồng…
Với đặc thù diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp, phân cắt, địa hình phức tạp, huyện đã phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đầu tư ứng dụng KHKT; chú trọng sản xuất hàng hóa một số sản phẩm bản địa (cam, hoa đào, chè Vân, khoai lang Ngọc Vừng…); triển khai Đề án nuôi biển trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện hiện có gần 100ha nuôi cá, 3.300ha nuôi biển. Huyện cũng khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Toàn huyện hiện có 11 đơn vị, cơ sở tham gia chương trình OCOP với 43 sản phẩm, trong đó có 19 sản phẩm được cấp sao.
Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, huyện đã chú trọng phát triển các mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 155,5 triệu đồng. Toàn huyện không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quốc gia và tiêu chí của tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đang tích cực triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, tập trung vào 5 lĩnh vực dịch vụ gồm: Biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; mua sắm, giải trí đêm; thể thao, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp; tham quan du lịch đêm; văn hoá ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.