Việc nổi tiếng nhờ một vai diễn giúp các diễn viên trẻ được khán giả biết đến, yêu mến. Tuy nhiên, họ không thể cứ mãi rập khuôn ở một kiểu nhân vật, nét diễn…
Diễn viên khó bứt phá nếu không bước ra khỏi vùng an toàn
Màn ảnh Việt không hiếm những ngôi sao “ăn nên làm ra” nhờ một vai diễn. Công chúng từng biết đến Kaity Nguyễn với vai Linh Đan trong “Em chưa 18” – bộ phim giúp cô trở thành diễn viên trăm tỉ, tạo bệ phóng cho cô. Hay Ninh Dương Lan Ngọc từng được khán giả yêu mến, nhớ đến nhờ vai Nương trong “Cánh đồng bất tận”. Tuy nhiên, với thị trường phim ảnh dễ đào thải, đòi hỏi sự sáng tạo như hiện nay thì việc đóng khung một vai diễn trên màn ảnh đôi khi lại là “con dao hai lưỡi”.
Vừa qua, bộ phim “Mùa hè đẹp nhất” đã ra mắt công chúng. Đây là dự án về tuổi học trò, thanh xuân vườn trường từng được kỳ vọng sẽ trở thành “ngựa ô” phòng vé vào dịp hè, nhất là sau thành công của “Lật mặt 7”. Tuy nhiên, phim rời rạp chỉ với vỏn vẹn vài tỉ đồng tiền doanh thu. Sự thất bại này tạo cú sốc lớn cho nhà làm phim dù đây là một dự án được đánh giá làm chỉn chu, bài bản. Nhiều chuyên gia phim ảnh chỉ ra, nguyên do lớn đến từ việc nhiều ngôi sao trong phim bị lặp lại chính vai diễn của mình trước đây như Trần Nghĩa, Khánh Vân.
Trước đó, diễn viên Trần Nghĩa và Khánh Vân từng đóng chung trong phim “Mắt biếc” (2019) của đạo diễn Victor Vũ, phim thu về 180 tỉ đồng. Cả hai sau đó vụt sáng thành sao. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, họ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của các vai diễn này.
Trần Nghĩa trong “Mùa hè đẹp nhất” bị lặp lại vai diễn Ngạn trong “Mắt biếc”. Thậm chí, dạng vai này cũng từng được anh thể hiện ở phim truyền hình “Nhà trọ Balanha”. Khánh Vân cũng gặp tình trạng tương tự khi không tạo được cảm giác mới mẻ cho người xem ở những dạng vai sau này.
Trường hợp của Tuấn Trần cũng tương tự. Anh nổi tiếng với vai Quắn trong phim “Bố già” (2021) của Trấn Thành. Sau đó, kiểu vai tinh nghịch, lanh lợi này cũng bị lặp lại ở “Đất rừng phương Nam” (2023). Cho đến khi phim “Móng vuốt” (2024) ra mắt, nét diễn của Tuấn Trần cũng bị lặp lại, không có nhiều mới mẻ.
Không thể chờ ăn may từ một vai diễn
Với dòng chảy của điện ảnh Việt hiện tại, sự cạnh tranh luôn khốc liệt, tính đào thải cao, vậy nên đòi hỏi diễn viên phải biết thay đổi chính mình.
Trường hợp của diễn viên Tạ Lâm là một ví dụ. Cô từng đóng một vai phụ nhỏ trong phim “Lật mặt 6” của Lý Hải. Ở dự án này, cô đóng vai một người vợ miền Tây chua ngoa với nhiều câu nói tạo tiếng cười cho khán giả.
Từ vai diễn này, Tạ Lâm được chú ý hơn cả những diễn viên trẻ khác. Đó là lý do cô được Lý Hải tiếp tục tin tưởng đến mời đóng “Lật mặt 7: Một điều ước”. Ở phim này, Tạ Lâm tiếp tục xuất hiện, nhưng vai diễn của cô không trùng lặp với dự án liền trước. Trong “Lật mặt 7”, Tạ Lâm trở thành một cô hàng xóm tốt bụng luôn bên cạnh giúp đỡ nữ chính. Nét diễn tự nhiên, vai diễn không không bị lặp lại giúp Tạ Lâm một lần nữa ghi điểm trong mắt công chúng.
Hay diễn viên Kaity Nguyễn cũng là một trong những trường hợp vẫn giữ được sức hút với khán giả dù “Em chưa 18” đã chiếu được 7 năm. Thời điểm đó, Kaity Nguyễn chỉ là một diễn viên trẻ non nớt vào nghề. Nhưng nhờ nét diễn tự nhiên trong phim, cô vụt sáng thành sao.
Tuy nhiên, nhờ sự tính toán kỹ lưỡng trong các vai diễn, lựa chọn kịch bản phù hợp mà cho đến hiện tại, Kaity Nguyễn vẫn giữ được vị thế của mình. Cô được ví là ngôi sao trăm tỉ của màn ảnh rộng Việt Nam với các phim đạt doanh thu trăm tỉ như: “Em chưa 18”, “Tiệc trăng máu”, “Người vợ cuối cùng”…
Kaity Nguyễn có một hành trình “lột xác” từ một vai diễn ngây thơ sang những vai nặng tâm lý, chiều sâu cảm xúc như vai diễn trong “Gái già lắm chiêu V”, “Cô gái từ quá khứ”… cho đến “Người vợ cuối cùng”.
Để đi đường xa trong nghề diễn xuất, việc chọn lọc kịch bản rất quan trọng với các diễn viên trẻ. Có thể, dù không vào vai chính nhưng nếu vai phụ phù hợp, diễn viên vẫn có thể tỏa sáng. Và hơn hết, không thể đóng khung mãi với một dạng vai nhất định, bởi khán giả luôn đòi hỏi diễn viên có sự sáng tạo, thay đổi chứ không thể một màu, lặp lại chính mình.