Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với các cấp chính quyền, các ngành trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nông dân. Hằng năm, các địa phương đều ký chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó có triển khai các hoạt động phối hợp tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và nông dân nói riêng trong thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt liên quan đến đất đai, bồi thường, GPMB, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, nhận thức pháp luật của nông dân đã tăng lên, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Duy trì tốt quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân và UBND cùng cấp; đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh nông thôn, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 475 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 12.695 lượt người dân; phối hợp với Sở TN-MT tuyên truyền Luật Đất đai, tập huấn, tuyên truyền, đối thoại và tư vấn trực tiếp trong công tác GPMB; phối hợp Thanh tra tỉnh tuyên truyền pháp luật tiếp công dân, giải quyết KNTC… Trên cơ sở kế hoạch phối hợp trong công tác hòa giải cơ sở giữa Hội và Sở Tư pháp, cấp tỉnh và các địa phương thường xuyên quan tâm xây dựng và kiện toàn hoạt động của 1.548 tổ hòa giải với sự tham gia của 8.936 hòa giải viên, trong đó có 1.206 hòa giải viên là cán bộ Hội Nông dân (100% các thôn, khu dân cư có chi hội nông dân đều cử cán bộ Hội tham gia tổ hòa giải)…
Phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của các hội viên khi tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, Hội Nông dân tỉnh tham gia trực tiếp việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, giải quyết hiệu quả nhiều vụ việc. Tiêu biểu như năm 2018, hội chủ trì tiếp nhận, phản ánh, đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp giải quyết kiến nghị của ngư dân khai thác thủy, hải sản bằng lồng bát quái trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, của tỉnh về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với lắng nghe, phản ánh tình hình ngư dân; đã thẩm định và giải ngân 2 dự án Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 1 tỷ đồng cho 20 hộ ngư dân vay để chuyển đổi nghề. Phối hợp với Khối MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tiếp nhận và xử lý 7 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, hội viên và nhân dân liên quan đến các nội dung về đất đai, về kháng cáo bản án của tòa án… nghiên cứu, tham mưu 2 vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.
Một số vụ việc có tính chất phức tạp, sau khi Hội Nông dân tỉnh vào cuộc nhận thấy khiếu nại của người dân là có cơ sở đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý giải quyết, giúp người dân được bồi thường hơn 11 tỷ đồng, đồng thời kiểm điểm cán bộ tham mưu, giúp việc trong quá trình giải quyết vụ việc.
Giai đoạn 2015-2024, người đứng đầu cấp ủy 3 cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 16.995 cuộc tiếp dân định kỳ với 8.012 công dân của 5.732 vụ việc; tổ chức 106 cuộc đối thoại trực tiếp với dân, trong đó có 101 đoàn đông người; tiếp dân đột xuất 97 cuộc với 242 công dân ở 104 vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh và cấp phó được ủy quyền; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã thực hiện 51.432 cuộc tiếp công dân, trong đó có 1.275 cuộc đột xuất; với tổng số công dân được tiếp là 42.711 lượt người. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo qua tiếp công dân là 4.463 vụ việc.
Quý I/2024, toàn tỉnh tiếp 1.698 lượt công dân tương ứng với 948 vụ việc (giảm 15,58% so cùng kỳ năm 2023); tiếp nhận 2.405 đơn (giảm 12,45%). Trong số đơn, vụ việc đủ điều kiện xử lý là 1.996 đơn (1.802 vụ việc), các cơ quan, đơn vị đã giải quyết 803 vụ việc; trong đó, 117/229 vụ việc khiếu nại, 3/7 vụ việc tố cáo, còn lại là đơn kiến nghị, phản ánh. Trong số đơn thư, khiếu nại chiếm 70% là của nông dân.
Từ năm 2015 đến hết tháng 5/2024, Hội Nông dân các cấp tham gia hơn 1.685 cuộc đối thoại, nội dung chủ yếu về công tác đền bù GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo tuy còn nhiều nhưng giải quyết kịp thời, hạn chế được những vấn đề nổi cộm, không hình thành điểm nóng; các vụ khiếu nại đông người, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài giảm so với các năm trước.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 11 mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại 9 địa phương. Toàn tỉnh hiện có 152 CLB “Nông dân với pháp luật” với trên 7.650 thành viên, đây vừa là mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật, vừa là đội ngũ cơ sở nắm bắt thông tin trong nhân dân, kịp thời hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc của hội viên ngay từ cơ sở, góp phần giảm tỷ lệ khiếu kiện vượt cấp.
Nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành với các cấp hội nông dân đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương.