Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh với 56.000 ha, huyện Ba Chẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Xã Thanh Sơn có diện tích tự nhiên 11.039,73 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 9.836,92 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,85%. Là địa phương có nguồn thu chủ yếu từ trồng rừng, những năm qua, thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/HU ngày 2/1/2020 của Huyện ủy Ba Chẽ về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 1/9/2020 của BTV Huyện ủy Ba Chẽ về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện, xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn, Đề án bảo tồn, phát triển một số loài cây dược liệu quý, phân công từng thành viên Ban chỉ đạo, tổ tuyên truyền vận động phụ trách thôn.
Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, như: Hội nghị; hệ thống thông tin đại chúng (loa phát thanh, cụm FM tại các nhà văn hóa thôn); tuyên truyền trực quan (pano, áp phích); tuyên truyền trên các trang mạng xã hội zalo, facebook…, đã giúp người trồng rừng nắm bắt được các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, đăng ký tham gia và lập phương án sản xuất phát triển rừng gỗ lớn, cây bản địa. Từ năm 2020 đến nay, xã đã trồng được 585 ha rừng gỗ lớn, chiếm 61% diện tích rừng trồng mới, trong đó cây lim, lát, giổi 116,4 ha, keo 468,6 ha. Xã còn trồng 4.178 cây lâm nghiệp phân tán, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bổ sung nguồn gỗ rừng trồng phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế.
Ông Nịnh Văn Năm (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn) cho biết: Gia đình ông có 7,5 ha rừng. Cũng như các hộ khác trong thôn, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng cây keo với chu kỳ từ 5-7 năm, nên thu nhập không cao. Được sự tuyên truyền, hỗ trợ một phần giống cây và vốn vay, đến nay, gia đình ông đã chuyển 5,8 ha sang trồng quế và lim, 1,7 ha trồng ba kích. Trồng cây gỗ lớn về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ông Đặng Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có điểm xuất phát thấp khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM. Những năm qua, bên cạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, xã chỉ đạo nhân dân trồng xen các loại cây dược liệu quế, trà hoa vàng, ba kích… để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó thu nhập của người trồng rừng từng bước được nâng lên, năm 2023 thu nhập bình quân đạt 66,58 triệu đồng/người, tăng 4,98 triệu đồng so với năm 2022; dự kiến hết năm 2024 đạt trên 70 triệu đồng/người.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, từ năm 2021 đến nay toàn huyện trồng được 1.088,98 ha rừng lim, giổi, lát. Theo kế hoạch, năm 2024 huyện trồng 3.500 ha rừng, trong đó có 250 ha rừng gỗ lớn. Đến hết tháng 7/2024 huyện trồng được 152 ha, đạt 61% kế hoạch năm, trong đó xã Thanh Sơn trồng 25 ha; Đồn Đạc 14,5 ha; Lương Mông 13,2 ha; Đạp Thanh 12,3 ha. Huyện còn trồng được 255 ha cây quế, 14,6 ha cây dược liệu, 3.166,8 ha cây keo, thông mã vĩ.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ba Chẽ ưu tiên các nguồn lực, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, từng bước xã hội hoá nghề rừng, hình thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.