Vừa qua, chúng tôi có dịp về với Yên Đức (TX Đông Triều), một vùng quê trù phú mang đậm nét văn hóa của làng quê Bắc Bộ, cũng là nơi vốn có nghề làm chổi truyền thống từ những bẹ cau, tàu dừa, rơm rạ để làm ra các loại chổi cau, chổi dừa, chổi rơm. Từ khi du lịch về làng, sản phẩm trải nghiệm làm chổi được du khách yêu thích nên nghề làm chổi tại miền quê này cũng dần được “hồi sinh”.
Những người giữ nghề của làng
Giống như bao làng quê Bắc Bộ thanh bình khác, Yên Đức mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những rặng tre xanh ngát, những hàng cau thẳng tắp vươn mình trong nắng, đung đưa theo làn gió mát lành.
Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng, xưa kia, người dân xã Yên Đức chủ yếu trồng lúa và các hộ gia đình cũng duy trì nghề làm chổi truyền thống qua nhiều đời. Tuy nhiên, do nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì lại khá vất vả nhưng thu nhập ít ỏi nên theo thời gian, thanh niên trong làng không còn theo nghề, chỉ còn lại một số người cao tuổi vẫn giữ nghề truyền thống. Dần dần, số hộ gia đình còn duy trì nghề này cứ ngày một ít đi.
Gia đình bà Bùi Thị Mận ở xã Yên Đức đến nay đã gắn bó vài chục năm với nghề làm chổi. Bà Mận chia sẻ: “Tôi biết bện chổi từ năm 10 tuổi. Từ đời cụ, ông bà, bố mẹ cho đến đời chúng tôi đều duy trì nghề. Xưa kia, con cháu trong nhà được trao truyền nghề từ tấm bé, nhưng bây giờ lớp trẻ ít người còn muốn theo nghề này”.
Để làm được những chiếc chổi rơm, phải chọn rơm của những cây lúa nếp bởi sợi rơm nếp dai hơn, màu sắc vàng óng nên làm chổi cũng đẹp hơn. Rơm được đem phơi khô khoảng 3-4 nắng, sau đó rút lấy phần lõi cứng của rơm, buộc thành từng cụm nhỏ, mỗi cụm gọi là một con rơm. Cứ 5 con rơm như thế ghép lại thành 1 chiếc chổi.
Tùy vào kích cỡ chổi to hay nhỏ mà con rơm có độ lớn tương ứng. Phần đầu bông lúa được giữ để làm thân chổi. Cán chổi được tạo ra bằng cách lấy lần lượt hai sợi rơm bện xoắn vào nhau đồng thời bện quấn tròn xung quanh từng con rơm. Cứ thế ghép dần 5 con rơm vào với nhau thật chắc tay và bện thật đều để chổi được đẹp và bền chắc.
Sợi rơm cuối cùng ở đầu chổi sẽ được bà Mận tết lại để làm thành móc treo. Thông thường, đối với người lành nghề, để làm ra chiếc chổi to sẽ mất 2 ngày, còn chổi bé khoảng 15-20 phút là xong.
Cũng gắn bó với nghề làm chổi, bà Cao Thị Liên ở thôn Yên Khánh chủ yếu làm các loại chổi dừa, chổi cau. Đầu ngày, bà sẽ tranh thủ lúc chưa nắng gắt đi lượm quanh xóm các tàu lá cau, lá dừa khô rơi xuống gốc hoặc chặt những tàu lá dừa rủ xuống thấp để mang về làm chổi.
Để làm ra một chiếc chổi tùy loại phải trải qua từ 6-7 công đoạn hoàn toàn thủ công. Với chổi cau và chổi dừa, cách làm cũng tương tự nhau. Tàu lá cau, lá dừa mang về sẽ phải tỉa lấy phần sống lá, vót cho nhẵn để làm chổi. Thường thì một chiếc chổi dừa cần 7-8 tàu lá gộp lại mới đủ. Sau đó sẽ đem phơi từ 2-3 nắng cho khô hẳn rồi mang vào bó thành chổi.
Bà Liên chia sẻ: Bước khó nhất khi làm chổi chính là việc phải dùng dây cao su quấn chặt để cố định phần cán chổi sao cho tròn đều. Với chổi cau, thường thì cây cau rất cao, chỉ lấy được những tàu lá cau rụng xuống gốc, đã khô nên quá trình tách để lấy sống lá sẽ dai và khó hơn một chút. Khi buộc cần lưu ý xếp các tàu lá sao cho phần bụng lá quay xuống dưới và giữa các tàu lá có độ xòe để dễ quét hơn.
Dù vất vả nhưng bà Liên rất tâm huyết với công việc này. Công việc mang lại cho bà chút thu nhập, niềm vui. Và bà cũng truyền lại nghề cho con gái với mong muốn tiếp tục giữ nghề của làng.
Cơ hội “hồi sinh” nghề truyền thống
Từ việc đứng trước nguy cơ mai một, nghề làm chổi đã có cơ hội “hồi sinh” khi từ năm 2013 đến nay, xã Yên Đức phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Một số hộ gia đình đã kết hợp với công ty du lịch trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống phục vụ du khách, trong đó có nghề làm chổi.
Là một trong những hộ gia đình tiên phong phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhà bà Bùi Thị Mận cũng trở thành địa điểm cho khách tham quan muốn tìm hiểu và trải nghiệm cách làm các loại chổi khác nhau.
Bà Mận vui mừng chia sẻ: “Nhờ có du lịch cộng đồng, tôi có cơ hội giới thiệu nghề làm chổi đến với không chỉ du khách trong nước mà đặc biệt là những vị khách nước ngoài để họ hiểu hơn về văn hóa và nghề truyền thống của làng quê Yên Đức. Cùng với đó, bản thân tôi cũng có thêm một nguồn thu nhập ổn định hơn”.
Sau buổi trải nghiệm làm chổi, Nguyễn Hà Linh, du khách Hà Nội, hào hứng cho biết: “Mình đã biết đến chiếc chổi rơm nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cách làm ra những chiếc chổi này và còn được tự tay bó chổi. Cảm giác rất thú vị và đáng nhớ”.
Những chiếc chổi ở Yên Đức được tạo ra từ chính những nguyên liệu sẵn có của làng quê và đôi bàn tay, sự khéo léo, bền bỉ của những người nông dân một nắng hai sương. Sản phẩm chổi không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong vùng mà còn được nhiều địa phương lân cận đặt hàng, trở thành vật dụng gắn bó thân thuộc với đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Nghề làm chổi ở Yên Đức đang phát triển trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách. Đó cũng là cách để quảng bá, gìn giữ nét đẹp của một nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch làng nghề, qua đó tạo thêm sinh kế cho người dân bản địa.
Chị Nguyễn Thị Hương, một người con Yên Đức và cũng là hướng dẫn viên tại Khu du lịch làng quê Yên Đức, chia sẻ: Với mong muốn gìn giữ nghề làm chổi truyền thống của làng và mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch khi đến với làng quê Yên Đức, mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nghề làm chổi truyền thống được chúng tôi giới thiệu tới du khách và được du khách 4 phương, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích. Chúng tôi cũng rất vui khi có thể gìn giữ và giới thiệu những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống quê hương mình.
Nhờ việc “bắt tay” với du lịch, nghề làm chổi ở Yên Đức dần được hồi sinh, tạo nên một hướng phát triển mới cho địa phương, thu hút người dân duy trì làng nghề và tô đẹp thêm miền quê nơi họ đang sống.