Thay thế Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND “Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nghị quyết tiếp tục mở ra cơ hội mới đối với kinh tế rừng trên toàn tỉnh.
3 năm thêm gần 1.700ha rừng gỗ lớn
Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được áp dụng thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Sau gần 3 năm thực hiện, toàn tỉnh có 1.016 hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích rừng trồng 1.656,2ha, bao gồm: Giổi xanh 60,9ha; lim xanh 31,3ha; lát hoa 32,6ha; sao đen 0,5ha; thông 15,7ha; dó bầu 1ha; quế 1.514,1ha. Tổng kinh phí đã giải ngân để thực hiện hỗ trợ là 35,686 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 1.016 hộ, cá nhân 21,196 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh 14,49 tỷ đồng cho 342 hộ, cá nhân.
Thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND được cả hệ thống chính trị 2 địa phương vào cuộc mạnh mẽ, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ chuyển động của Hạ Long, Ba Chẽ, nhận thức, ý thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân các địa phương trong tỉnh về giá trị bền vững của rừng gỗ lớn, cây bản địa được nâng cao rõ rệt. Nghị quyết đã tạo cơ chế, động lực mới cho chủ rừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng trên đơn vị diện tích, từng bước nâng cao chất lượng rừng Quảng Ninh. Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai kịp thời, đồng bộ; chi trả kinh phí hỗ trợ cho các chủ rừng tham gia chính sách đảm bảo tính khách quan, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng rừng đúng phương án và quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt; cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định: Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đi vào đời sống, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa của tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh trồng được 4.170ha cây gỗ lớn, cây bản địa, trung bình trồng 1.390ha/năm, bằng 248% so với giai đoạn 2017-2020. Năm 2022, toàn tỉnh trồng được 2.288,8ha rừng lim, giổi, lát; năm 2023 trồng được 1.078,3ha lim, giổi, lát. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết giúp tỷ lệ che phủ rừng 55% của Quảng Ninh giữ vững, chất lượng rừng được nâng cao.
Cơ hội mới
Các địa phương hiện đã hoàn thành xây dựng và phê duyệt phân vùng trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích khoanh vùng 145.137ha, trong đó diện tích phù hợp trồng lim, giổi, lát là 6.223ha. Qua rà soát, nhu cầu tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên toàn tỉnh giai đoạn 2024-2026 khoảng 6.360ha; trong đó hộ gia đình, cá nhân 4.589ha, các tổ chức, doanh nghiệp 1.771ha. Vì vậy, để tiếp tục khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, hiện thực hoá các mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy, tiến tới nền kinh tế rừng bền vững, giá trị cao, tại Kỳ họp thứ 19 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND, thay thế cho Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND.
Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND có nhiều điểm mới so với Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND. Cụ thể đã mở rộng phạm vi áp dụng từ 2 địa phương lên 13 địa phương toàn tỉnh; mở rộng đối tượng áp dụng từ hộ gia đình, cá nhân lên tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân. Điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách, trong đó nâng mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ bằng tiền; bổ sung một số khoản hỗ trợ; nâng mức cho vay ưu đãi; bổ sung danh mục các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng… Dự kiến ngân sách tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND từ năm 2024-2029 khoảng 308,9 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc mở rộng phạm vi áp dụng khiến nhân dân toàn tỉnh hưởng ứng, chờ đón, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chủ rừng, phù hợp với điều kiện về phát triển rừng gỗ lớn của địa phương. Mở rộng đối tượng áp dụng cũng rất trúng và đúng. Đây là đối tượng giàu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thâm canh và có nguồn lực, lượng tích tụ đất lớn, có khả năng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất phục vụ trồng rừng thâm canh và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai; tạo mô hình tham chiếu dẫn dắt các hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn. Bổ sung danh mục các loài cây được thụ hưởng chính sách sẽ khuyến khích chủ rừng tạo nguồn thu ngắn hạn để đầu tư trồng rừng dài hạn, tạo động lực để chủ rừng tăng diện tích rừng gỗ lớn…
UBND tỉnh đang khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện triển khai một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, công bố phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng; trình tự hỗ trợ kinh phí, chi phí lập phương án; kinh phí mua cây giống, con giống và công chăm sóc; trình tự hỗ trợ vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng CSXH; quyết toán kinh phí thực hiện và xử lý rủi ro trong quá trình thực hiện…
Chủ tịch HĐND phường Nam Khê (TP Uông Bí) Phạm Văn Dược: “Nghị quyết giúp địa phương thuận lợi trong công tác chỉ đạo, thực hiện phát triển kinh tế rừng bền vững” Rừng của Uông Bí chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc thành phố, đây là một trong những dư địa phát triển trên địa bàn. Những năm trước đây, bám sát sự định hướng của tỉnh, các xã, phường vận động người dân giảm diện tích trồng rừng gỗ nhỏ, tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên do không nằm trong đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, nên việc này chủ yếu mang tính vận động, khuyến khích là chính. Hiện với Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND, người trồng rừng đều được thụ hưởng chính sách khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa. Nghị quyết là đòn bẩy giúp người dân tự tin, sẵn sàng tham gia đầu tư vào những đối tượng cây rừng trồng chu kỳ phát triển dài. Nghị quyết cũng tạo sự thuận lợi cho đội ngũ cán bộ địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện phát triển kinh tế rừng bền vững. |
Giám đốc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ Nguyễn Bá Trượng: “Chúng tôi đồng tình với việc Nghị quyết đưa “nhà giàu” vào cuộc trồng rừng gỗ lớn” Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), HTX, đơn vị thuộc LLVT nhân dân, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi gọi những đối tượng này là “nhà giàu” trồng rừng. Đây là những đơn vị có năng lực trồng rừng gỗ lớn, có kinh nghiệm, kỹ thuật, diện trồng rừng lớn, quan trọng là họ gắn bó mật thiết và lâu dài với rừng, là đối tượng mà tỉnh có thể nắm bắt và điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Riêng tổ hợp tác được bổ sung là để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân có thể liên kết hình thành tổ hợp tác để thụ hưởng chính sách và hình thành các khu vực trồng rừng gỗ lớn tập trung. Từ những nét mới này sẽ tác động rất tích cực để việc nâng cao diện tích và chất lượng trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn. |
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) Nguyễn Văn Hồng: “Phát triển kinh tế lâm nghiệp đúng hướng là nền tảng vững chắc” Thời gian qua, xã đã tập trung phát triển cây lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn. Công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nên đại bộ phận người dân hiểu rõ lợi ích của kinh tế lâm nghiệp bền vững là mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu… Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 6ha rừng gỗ lớn, vượt so với kế hoạch 5ha huyện giao đầu năm. Nhiều hộ gia đình năng động, sáng tạo khi kết hợp chăn nuôi gà Tiên Yên dưới tán rừng quế gỗ lớn, vừa tiết kiệm nguồn thức ăn cho gà, vừa không mất công phát dọn cỏ cho cây quế. Xã phấn đấu hết năm 2024 mức thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/người/năm. Phát triển kinh tế lâm nghiệp đúng hướng là nền tảng vững chắc, góp phần tăng trưởng kinh tế của xã thời gian tới. |
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) Voòng A Tài: “Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp thêm nhiều động lực” Chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững mà HĐND tỉnh vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 19 được người dân rất mong chờ. Cụ thể, thực hiện trồng rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ kinh phí mua cây giống, công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha; được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng CSXH mức 30 triệu đồng/ha. Thực hiện phát triển kinh tế dưới tán rừng, các hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha rừng trồng cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Với chính sách này, người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp thêm nhiều động lực để đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, góp phần phát triển sản xuất bền vững. |
Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Theo chuẩn nghèo của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, hiện tỉnh chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Thống kê hết năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh là 73 triệu đồng/ người, tăng 27,248 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, và tăng 18,948 triệu đồng/ người/năm so với năm 2022. |