Thay vì vội vàng đi tới nhiều nơi theo lịch trình, bạn có thể có các chuyến tham quan thong thả, thiên về nghỉ ngơi với trải nghiệm đáng nhớ. Đó là hình thức “du lịch chậm” đang lên ngôi hiện nay.
Không chỉ dịp hè, du lịch đã trở thành món ăn, “liều thuốc” chữa lành với nhiều người vốn vất vả, bận rộn. Anh Nguyễn Hải Nam (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) đang phân vân đăng ký tour nghỉ ngơi cho gia đình. Thay vì các tour đi dày đặc nhiều nơi, anh Nam quyết định đăng ký tour của Lữ hành MiMiQ (Bãi Cháy, TP Hạ Long) cho gia đình. “Gia đình vừa được đi chơi lại có thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh ở biển Quan Lạn. Thích nhất là trải nghiệm homestay, hòa vào nhịp sống người dân vùng biển, sớm đạp xe lên đồi ngắm bình minh, chiều đi câu, kéo lưới, cào ngao…” – anh Nam hài lòng chia sẻ.
Có thể thấy, xu hướng cân bằng giữa trải nghiệm và nghỉ ngơi hợp lý đang dần thuyết phục du khách. “Ngoài tham quan, chúng tôi không đặt nặng vấn đề đi nhiều nơi, tới nhiều điểm “xô bồ”, mà trọng điểm là sống “chậm”, nghỉ ngơi, hòa mình với thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa bản địa…” – đại diện Lữ hành MiMiQ chia sẻ.
Trên thực tế, du lịch thời kỳ hậu Covid-19, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể với nhu cầu sống chậm lại, tận hưởng từng khoảnh khắc. Xu hướng này đã phổ biến ở nhiều nước phát triển Á, Âu gần đây. Thậm chí, nhiều điểm đến cổ kính, giàu bản sắc như Kyoto (Nhật Bản), Venice (Ý)… còn hạn chế lượng khách tới tham quan, là điển hình “du lịch chậm” nổi tiếng.
“Du lịch chậm” được hiểu là những chuyến trải nghiệm, tham quan một cách thong thả, có thiên hướng về nghỉ dưỡng, tập trung vào việc khám phá điểm đến sâu sắc, tận hưởng từng khoảnh khắc. Thay vì vội vàng phải tham quan nhiều nơi, thử mọi trải nghiệm, “‘du lịch chậm” có chọn lựa, coi mỗi trải nghiệm như một cơ hội để tìm hiểu, cảm nhận rõ hơn về văn hóa, con người, ẩm thực… nơi họ đến.
Tại Việt Nam, “du lịch chậm” gần đây đang dần được chú ý, chiếm ưu thế; thay thế cho những chuyến đi “chạy sô” nhiều nơi, tới nhiều chỗ và rời đi trong ngày, gây áp lực cho cả điểm đến và du khách. Ông Trần Đăng An, Giám đốc Lữ hành Halotour (TP Hạ Long), đánh giá: Du khách ngày càng có xu hướng sống chậm lại, lựa chọn, tận hưởng những nét đặc sắc, điểm đến thú vị, hấp dẫn nhất. Thay vì số lượng, chúng tôi khuyến khích “du lịch chậm”, hướng về chất lượng, cảm xúc làm điểm nhấn của tour”.
Theo ông An, không chỉ cá biệt, hiện nhiều lữ hành đang phát huy tính ưu việt của “du lịch chậm”, áp dụng linh hoạt vào các hành trình, các loại hình. Điển hình như: Du lịch trekking khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, vùng đất mới lạ; du lịch “bụi” dựa trên sự phiêu lưu, khám phá bản thân; du lịch ẩm thực thưởng thức món ăn, văn hóa địa phương… Ngoài ra, còn có các hình thức khác đang lên, như: Du lịch tình nguyện thông qua công việc, dự án; tour hay chuyến đi bằng xe đạp… Điểm chung của các hình thức du lịch trên là đều đầu tư thời gian, hoạt động trọng tâm, mới lạ, đặc trưng và mang tính giải trí, nghỉ ngơi cao.
Trên thực tế, hình thức “du lịch chậm” ở Quảng Ninh đã được lữ hành áp dụng hoặc là một phần của các tour nổi tiếng trước đây, như: Tour trải nghiệm làng quê Yên Đức; du lịch thiền, hòa mình vào thiên nhiên ở Yên Tử; trải nghiệm cuộc sống ngư dân đảo Quan Lạn, Minh Châu…
Trước sức hút này, hiện nhiều lữ hành, địa phương đã thực sự quan tâm, triển khai hoặc lồng ghép tạo thành các tour “chậm” đầy sức hấp dẫn. Đơn cử như tour du lịch chữa lành ở Cô Tô dịp Thu, Đông thưa khách. Du khách được tham quan chùa, thiền hoặc tập luyện yoga sớm trên bãi biển, lặn khám phá đại dương… Du lịch tham quan bản làng mùa lúa chín, trải nghiệm mùa cơm mới ở vùng cao Bình Liêu. Hoặc gần đây, địa phương này còn thiết kế tour trekking xuyên rừng, đi hái măng hoặc cho khách lưu trú và tham gia xây nhà trình tường cùng bà con ở bản…
Ngoài ra, một hình thức khá phổ biến là các hành trình, ngày nghỉ thư giãn, sống chậm, không ồn ã mà chỉ hòa mình giữa thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống thôn quê, câu cá, hái quả… ở các homestay, farmstay… vùng ngoại thành, vùng cao, dân tộc thiểu số ở Hạ Long, Bình Liêu, Vân Đồn, Tiên Yên…
Dù đang được yêu thích nhưng hiện số tour “du lịch chậm” chuyên biệt, đặc thù vẫn còn ít, chưa phổ biến. Đây là điều cần được quan tâm thúc đẩy bởi “du lịch chậm” không chỉ giúp du khách thư giãn, tìm lại sự cân bằng mà còn tạo ra nhiều trải nghiệm, góp phần giúp địa phương phát triển nhiều khu vực, hoạt động du lịch mới.