Rong ruổi suốt một ngày nắng đẹp bằng ca nô, chúng tôi chỉ gọi là lướt qua được vài điểm của Vườn quốc gia Bái Tử Long – Vườn di sản ASEAN mà thôi, vì diện tích nơi đây bao gồm cả đảo nổi và mặt nước lên tới trên 15.000ha. Đáng nói là, quản lý, bảo vệ trực tiếp khu vực rộng lớn này cũng chỉ có 24 cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia. Công việc, cuộc sống của họ có niềm vui, sự say mê cũng có những vất vả, thiệt thòi riêng mà không phải ai cũng thấu hiểu, chia sẻ được…
Từ Cảng tàu khách Cái Rồng, xuồng công tác của huyện đưa chúng tôi ra điểm đến đầu tiên là Cái Lim. Được ngày nắng đẹp, biển trời Bái Tử Long thu vào tầm mắt chúng tôi một màu rực rỡ, trong veo. Nước biển xanh huyền ảo màu ngọc lục bảo, các đảo đá rõ mồn một tưởng như có thể chạm tay vào được…
Chạy một quãng dài, Trạm Kiểm lâm Cái Lim đã hiện ra trước mắt nhưng nay nước cạn, cầu tàu dẫn vào trạm chơ vơ giữa bãi triều lô xô đá ngầm đầy hà bám nhô lên, không cập vào được. Ở đây cũng không có sóng điện thoại, wifi để gọi cho trạm ra “cứu trợ” được, chỉ còn cách bắc loa miệng cho nhanh. Có lẽ vì đã báo trước, cũng vì xuồng chúng tôi đỗ đối diện trạm nên anh Hà Minh Chiến, Trưởng Trạm Kiểm lâm Cái Lim, đã sớm nhận ra. Anh chèo cái bè đơn sơ ra đón người rồi “trung chuyển” chúng tôi sang chiếc xuồng nhỏ hơn. Cũng có lúc, anh nhảy ùm xuống biển, tự mình đẩy xuồng cho chúng tôi rồi hướng dẫn mọi người lội vào bờ…
Ở rừng – biển, thú vui đi cùng nỗi lo
Xuồng chạy ra khu vực Cái Đé, nghe cảnh báo khu vực này lắm dĩn biển, chúng tôi vội mang lọ thuốc ra xịt thêm lượt nữa, lại vui chuyện kể về những con dĩn biển “nhỏ mà có võ” ở vùng biển này. Năm ngoái, chúng tôi có dịp đến Cái Lim khảo sát hệ động thực vật rừng nơi đây. Chỉ là không nhanh xịt thuốc chống muỗi mà về tới nhà, các nốt dĩn đốt ở chân tay vốn nhỏ xíu, hơi đỏ hôm sau bắt đầu sưng nổi thành cục, gãi thích tay vẫn không hết ngứa. Sau các nốt này tím thẫm rồi dần chuyển màu, cả tháng mới hết thâm.
Nghe vậy, anh Phạm Quốc Việt, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long) bảo, Cái Lim giống như là “cái rốn” của dĩn biển. Trạm ở sát biển, dưới là bãi triều bùn lầy với cây ngập mặn là điều kiện lý tưởng cho dĩn sinh sôi. Vào những ngày nước kém, không có gió thì có khi các anh kiểm lâm phải giăng màn ăn cơm để chống dĩn. Giờ khí hậu thay đổi, tàu bè qua lại nhiều hơn nên cũng bớt đi. Gọi là bớt thôi chứ như để tiếp lời, anh Chiến kể chuyện hôm trước mới có đoàn cán bộ của tỉnh ra công tác bị dĩn đốt sưng người, không chịu thấu phải vội về sớm…
Chuyện qua lại một hồi thì vụng biển chạy vào khu vực hang Luồn Cái Đé đã hiện ra. Khung cảnh tuyệt đẹp với những dãy núi nhấp nhô chạy dài hai bên khiến chúng tôi mê mải chiêm ngưỡng, quên cả nỗi lo dĩn biển.
Thông thạo về địa hình, anh Chiến khéo léo cho xuồng cua một vòng, giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn với cửa hang. Nước ở cửa hang có dòng chảy ra biển khá xiết, nhìn trần hang khá thấp nhưng anh Chiến bảo đi sâu vào thì chiều cao 2 người lớn cũng không chạm. Cùng với những tảng đá lớn ngay lối vào thì quãng giữa của hang cũng có những khối đá ngầm lớn khiến thuyền bè rất khó khăn di chuyển sâu vào trong. Phía sau hang Luồn dài khoảng 300m này là khu rừng ngập mặn với những loại cây ngập mặn lâu niên cao lớn. Tuy nhiên, chuyến đi này chúng tôi chưa thể hiện thực hoá mơ ước chiêm ngưỡng rừng cây ngập mặn này vì khâu chuẩn bị chưa đầy đủ, không đảm bảo yếu tố an toàn…
Rời Cái Lim, chúng tôi chạy sang Ba Mùn, nơi được ví như “ngôi nhà đa dạng sinh học” của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Cái Lim với Ba Mùn chỉ cách nhau khoảng 10 phút chạy xuồng và cầu tàu cũng oái ăm không kém, gặp hôm thuỷ triều thấp càng khiến những nhược điểm lộ ra rõ hơn. Nếu như cầu tàu Cái Lim cách trạm một quãng bãi triều xa cả trăm mét thì cầu tàu vào Trạm Kiểm lâm Ba Mùn lại cao ngất, bậc thấp nhất cũng cách mực nước cạn hôm nay tới ngang ngực tôi. Vì thế, sau khi bước từ xuồng xuống 2 tấm mảng xốp chòng chành kê sát nhau để vào bờ, chúng tôi vẫn không thể theo bậc lên cầu tàu vào trạm mà phải đi men theo bãi triều một quãng rồi trèo lên cây thang dài treo dọc bờ kè đá lên bờ.
Không gian cả 2 trạm đều thoáng đãng, dễ chịu, có thể thoải mái hít căng buồng phổi làn không khí trong lành. Đi sâu vào trong các khu rừng, cảnh quan rừng cây, suối nước có nhiều thứ để khám phá vô cùng thú vị. Dưới tán rừng xanh râm mát, cái nóng bức của ngày hè cũng bị xua tan. Ở Ba Mùn thì từ bờ xuống vịnh sau bãi đá còn có bãi cát vàng mịn màng, đứng dưới hàng thông xanh rì rào trong gió ngắm nhìn một vùng vịnh xanh mơ màng quả đúng là tuyệt sắc.
Khi chúng tôi đang sôi nổi bàn về cái thú ở rừng – biển với cảnh sắc thần tiên thì anh Việt “nửa đùa, nửa thật” bảo: Các chặng tuần tra của anh em kiểm lâm trên rừng không chỉ xa mà luôn có nguy cơ tiềm tàng là côn trùng và rắn độc. Nếu đi vào mùa đông thì “đặc sản” ở đây là ve rừng. Con ve rừng này không kêu đinh tai nhức óc như vẫn nghe ở đô thị mà ngược lại, khi vào người, chúng âm thầm cắn sâu vào da thịt, gây nhức nhối tới cả năm mới khỏi. Còn lát nữa khi sang tới khu rừng trâm Minh Châu, các bạn sẽ được cảm nhận thế nào là muỗi. Hôm rồi, chúng tôi đi kiểm kê trâm ở đây, mặc kín mít rồi mà muỗi vẫn bu vào người, toàn muỗi hoa, nhỏ mà đông vô kể, cứ vã vào người…
Quả là như vậy, xịt thuốc chống muỗi mấy lượt, nhóm chúng tôi vẫn khốn khổ vì đám muỗi cứ bu lấy khi đi xuyên qua khu rừng trâm Minh Châu để làm chương trình. Ai mà có khoảng hở da thịt nào thì một lúc là thấy nổi tịt lên vì muỗi đốt không kịp xua. Lại nhớ lời một người bạn của chúng tôi vốn có kinh nghiệm đi rừng từng chia sẻ: Các loài động vật rừng gặp người đa số đều chạy, kể cả gặp rắn mà không vô tình dẫm vào chúng hay cố tình bắt thì chúng cũng tự bò đi thôi, trừ 2 con là vắt và muỗi…
Trợ lực cho lực lượng kiểm lâm
Chuyến đi lần này, chúng tôi chỉ ghé qua được 2 Trạm Kiểm lâm Cái Lim, Ba Mùn và trụ sở của Hạt Kiểm lâm tại đảo Minh Châu. Gắn bó với rừng, anh em kiểm lâm trẻ nhất nơi đây cũng suýt soát 30 tuổi với thâm niên nghề khoảng 3 năm và người lâu nhất đã ở với rừng 14-15 năm.
Hạt trưởng Khúc Thành Liêm tự hào kể với chúng tôi về công việc quản lý của đơn vị với mười mấy năm nay chưa để xảy ra cháy rừng. Trên các đảo là những cánh rừng tự nhiên ngút ngàn, còn mặt biển của Vườn quốc gia với trên 9.000ha trong xanh, không có hiện tượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản trái phép, rác thải trôi vào trong vườn được dọn sạch. Hiện nay, đơn vị cũng đã ứng dụng công nghệ GPS và phần mềm SMART để quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ Vườn quốc gia…
Về mặt đời sống, anh Phạm Quốc Việt chia sẻ thêm với chúng tôi một niềm vui là trong năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động tại các xã vùng đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô. Vì vậy, mức thu nhập hiện nay của họ đạt từ 10 triệu tới hơn 20 triệu đồng/người/tháng. Với đặc thù của Bái Tử Long là Vườn quốc gia trên biển, giao thông đi lại phụ thuộc vào phương tiện thuỷ mà ở các Trạm Kiểm lâm như Cái Lim, Ba Mùn hoàn toàn không có các tuyến tàu khách đi qua. Việc hỗ trợ nguồn kinh phí như trên phần nào giảm bớt khó khăn cho anh em kiểm lâm, giúp anh em có điều kiện gắn bó hơn với công việc.
Dù vậy, đời sống văn hoá tinh thần của anh em vẫn có những thiệt thòi, thiếu thốn. Ở cả 2 trạm Cái Lim và Ba Mùn mà chúng tôi đến đều chưa có điện lưới. Các anh dùng điện năng lượng mặt trời để thay thế nhưng công suất yếu, mùa hè chỉ đủ quạt chạy phe phẩy, nên họ vẫn gọi vui nhau là “cá một nắng”. Sóng điện thoại, wifi thì gần như không có, trạm nào cũng có một điểm vớt sóng, treo cái hộp lên cứ để điện thoại trong đó, thi thoảng vớt được tí sóng thì tin nhắn lại chạy vào máy thông báo công việc, gia đình…
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm hiện vẫn còn những khó khăn về phương tiện, trang thiết bị và thông tin liên lạc. Anh Việt cho hay, thời gian qua Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã có những đề xuất trong việc trang sắm mới các xuồng cao tốc, thiết lập các hệ thống phao ranh giới để thuận lợi hơn trong công tác quản lý; trang sắm các thiết bị chuyên dụng như phương tiện bay không người lái phục vụ tuần tra, kiểm soát, hệ thống camera giám sát động vật ban đêm. Danh sách thiết bị chuyên dùng này đã được UBND tỉnh phê duyệt, vì vậy trong năm nay, đơn vị sẽ có kế hoạch đề xuất để trang sắm phục vụ cho công tác quản lý tốt hơn, giúp hoạt động của lực lượng kiểm lâm có điều kiện thuận lợi hơn.