Những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong số các tỉnh, thành trong nước có nguồn vốn FDI thu hút vào địa bàn lớn, tạo ra những giá trị to lớn về vật chất, nâng cao đời sống tinh thần, thu nhập cho người dân, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số 9 năm liên tiếp.
Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 377-KH/TU (ngày 16/1/2020). Trong đó xác định, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng và hiệu quả theo hướng sử dụng công nghệ sạch, giảm diện tích đất sử dụng, tăng sản phẩm hàm lượng công nghệ cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực và các điều kiện thực tế của địa phương; tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến doanh nghiệp địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bám sát định hướng của tỉnh, thời gian qua các cấp, ngành, đặc biệt là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho tỉnh lên danh mục các dự án, địa bàn KCN, KKT để đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; rà soát, cắt giảm các TTHC; thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho tỉnh thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc, những ngành nghề ưu tiên thu hút như công nghiệp xanh, công nghệ cao, công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử viễn thông, sản phẩm số, ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp môi trường, công nghiệp thời trang. Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN và cùng với các địa phương đẩy nhanh GPMB, tạo ra quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Từ những giải pháp được triển khai, số vốn FDI thu hút vào tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước. Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, số vốn thu hút FDI đạt trên 8,4 tỷ USD, tương đương 201.000 tỷ đồng. Điển hình năm 2023 đạt trên 3,24 tỷ USD, bằng 314% chỉ tiêu của nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra, bằng 127,8% so với năm 2022. Riêng 7 tháng năm 2024 đạt trên 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm (3 tỷ USD); trong đó có 21 dự án FDI được cấp mới, 31 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn. Một số dự án FDI tiêu biểu: Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà), tổng mức đầu tư 275 triệu USD; Dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại KCN Amata Sông Khoai (TX Quảng Yên), tổng mức đầu tư 57 triệu USD.
Như vậy đến nay tỉnh có 188 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư trên 14,6 tỷ USD. Các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, tỉnh đang xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư FDI và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian tới, với những nhiệm vụ, mục tiêu hết sức cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn FDI đạt 10 tỷ USD (tương đương 240.000 tỷ đồng), giai đoạn 2026-2030 thu hút vốn FDI đạt 18,6 tỷ USD (tương đương 446.000 tỷ đồng), bình quân mỗi năm thu hút trên 3,7 tỷ USD.
Với những tiềm năng, lợi thế nổi bật, sức mạnh cạnh tranh, mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh hoàn toàn khả thi, goáp phần đưa tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới, trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại của cả nước.