Toàn tỉnh hiện có 1.489 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đang hoạt động mà chưa có đăng ký chính thức. Trong đó, huyện Vân Đồn có số lượng nhiều nhất với 640 tàu và đều thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý. Theo quy định, những tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên phải đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Vì vậy, sau khi có Thông tư 06/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT và thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Vân Đồn đang tập trung hướng dẫn cho các chủ tàu cá đăng ký tạm được chuyển sang đăng ký chính thức, phấn đấu xong trong tháng 8/2024.
Theo rà soát, trên địa bàn huyện Vân Đồn có tổng số 782 tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12m thuộc thẩm quyền quản lý của huyện, trong đó có 640 tàu cá đăng ký tạm. Còn lại 142 tàu đã được đăng ký chính thức, cấp đổi, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương ven biển tập trung xóa tàu cá “3 không”- không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động xong trong năm 2024. Trong đó, huyện Vân Đồn đã ban hành kế hoạch và thành lập 2 tổ công tác gồm thành viên Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế hạ tầng, Chi cục Thuế khu vực Cẩm Phả – Vân Đồn – Cô Tô và UBND các xã, thị trấn để triển khai công việc này. Đến nay, 2 tổ công tác của huyện đã thông báo đến toàn thể 640 chủ tàu cá đăng ký tạm nằm trong danh sách mà UBND tỉnh công bố nắm được thông tin để hoàn thiện các thủ tục liên quan về cấp giấy đăng ký tàu cá chính thức nhằm đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản.
Anh Nguyễn Văn Cảnh chủ một tàu cá ở xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), chia sẻ: Tàu của tôi chiều dài 8m nhưng vì nhiều nguyên nhân nên tôi chưa làm đăng ký chính thức. Vừa qua, có Thông tư mới và được huyện tạo điều kiện hỗ trợ về thủ tục nên hiện nay tôi đã hoàn thành xong đăng ký chính thức cho tàu. Tôi rất phấn khởi bởi có được giấy tờ, biển kiểm soát chính thức thì đi biển cũng yên tâm hơn.
Vân Đồn là địa phương có ngành thủy sản là kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, hạn chế vi phạm. Đồng thời siết chặt công tác quản lý tàu cá. Đến nay, huyện không có tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài. Các vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã kịp thời được phát hiện, xử lý để răn đe.
Ông Hà Văn Ninh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định phân công cử một đồng chí công chức của Phòng sang trực tại Trung tâm hành chính công huyện để thuận tiện cho người dân đến làm thủ tục chuyển từ tàu cá tạm sang đăng ký tàu cá chính thức. Theo đó, hồ sơ đăng ký có 3 loại giấy, gồm: Tờ khai đăng ký tàu cá có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú, 2 ảnh 9×12 chụp tàu cá sau đó đến Cơ quan thuế khai thuế để có thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu. Sau đó chủ tàu sẽ nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công của huyện. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với Trung tâm Hành chính công huyện nhập dữ liệu của từng tàu cá sau đó xử lý và trả kết quả cho các chủ tàu.
Từ giữa tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Hành chính công huyện đã tiếp nhận 400 bộ hồ sơ của các chủ tàu cá thực hiện thủ tục chuyển từ tàu cá đăng ký tạm sang chính thức, trong đó đã có 61 bộ hồ sơ được thẩm định và đang được trả kết quả cho các chủ tàu cá. Huyện Vân Đồn đang phấn đấu đầu tháng 8 sẽ hoàn thành xong việc cấp giấy đăng ký chính thức cho toàn bộ số tàu cá tạm trên địa bàn, qua đó thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn, góp phần cùng cả nước sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.