Chiều 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phiên họp đã công bố Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất thực hiện quyền hành pháp. Việc tổng kết, hoàn thiện xem xét cơ cấu tổ chức của Chính phủ là các cơ sở quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu phù hợp bối cảnh tình hình mới, đáp ứng mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng.
Căn cứ nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo; như vậy, chúng ta xem xét lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến XV để tập trung thống nhất chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ triển khai nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và của Chính phủ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Hôm nay, Ban Chỉ đạo tổ chức Phiên họp đầu tiên để công bố việc thành lập Ban Chỉ đạo; trao đổi thống nhất kế hoạch tổng kết, đề cương báo cáo tổng kết 20 năm về tổ chức bộ máy với tinh thần Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, có bộ máy phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xem xét lại tổ chức bộ máy trong 20 năm qua nhằm đánh giá hoạt động “đúng, trúng” mục tiêu đề ra chưa? Việc tổ chức bộ máy như vậy qua các thời kỳ đã từng bước hoàn thiện chưa? Chúng ta xem xét khách quan như vậy đã phù hợp chưa ? Chưa phù hợp ở điểm nào về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn? Trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo đề xuất phương án phù hợp tình hình đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, cũng như giai đoạn đổi mới, tiếp tục khẳng định sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong đó có đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới hoạt động các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Mục tiêu chúng ta đề ra là xây dựng được kế hoạch tổng kết cụ thể, hợp lý, khả thi, trong đó có phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xây dựng báo cáo tổng kết có hệ thống toàn diện, đánh giá kết quả đạt được, nêu hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các định hướng, giải pháp, kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Mục tiêu và nhiệm vụ, phạm vi của phiên họp là xác định chương trình, kế hoạch, định hướng của Ban Chỉ đạo để bảo đảm hiệu quả. Từ nay đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng chỉ còn hơn 1 năm, do đó chúng ta phải báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc tổng kết 20 năm hoạt động của Chính phủ, đề ra nhiệm vụ giải pháp, xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động vì nhân dân phục vụ.
Chúng ta thống nhất chủ trương, thống nhất cách làm, hoạt động, trên cơ sở đó sẽ có khảo sát, đánh giá, hệ thống lại các hoạt động của Chính phủ, bộ máy của Chính phủ để bảo đảm Chính phủ đúng nghĩa là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước thực hiện quyền hành pháp.