Giá vàng thế giới hôm nay (6/8) điều chỉnh giảm do lực bán tháo trên diện rộng sau tuần tăng giá mạnh, hiện giao dịch 2.414 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC giảm gần 1 triệu đồng/lượng, xuống 79 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC giảm nhẹ, giao dịch ở mức 77,45 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, sáng nay 6/8, các thương hiệu vàng đồng loạt giảm giá. Đặc biệt, giá vàng miếng SJC bất ngờ giảm mạnh 800.000 đồng xuống mức 79 triệu đồng/lượng.
Tại thời điểm 9 giờ sáng 6/8, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 77 triệu đồng/lượng mua vào và 79 triệu đồng/lượng bán ra, giảm lần lượt 1,3 triệu đồng và 800.000 đồng so kết phiên trước đó.
Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 76,3-77,5 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 100.000 đồng và 50.000 đồng so chốt phiên tuần trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 77-79 triệu đồng/lượng, đứng yên so chốt phiên trước đó. Trong khi, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 76,15 triệu đồng/lượng, bán ra 77,45 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so chốt phiên trước đó.
Vàng PNJ mua vào ở mức 76,2 triệu đồng/lượng và bán ra mức 77,45 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 50.000 đồng và 100.000 đồng so kết phiên hôm trước.
Tính đến 9 giờ sáng 6/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm nhẹ 28,9 USD so kết phiên hôm trước xuống mức 2.414,2 USD/ounce.
Hôm qua, giá vàng có thời điểm giảm một mạch về chỉ còn 2.364 USD/ounce do áp lực bán tháo chốt lời từ các nhà đầu tư, nhưng ngay sau đó, kim loại quý lại phục hồi trở lại trên mốc 2.400 USD do nhu cầu “săn hàng giá hời” và nhu cầu trú ẩn an toàn.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến thị trường chung “hoảng sợ” khi bắt đầu tuần giao dịch. Câu nói cũ trên thị trường dường như lại đúng trong thời kỳ hoảng loạn: “Nếu bạn không thể bán những gì bạn muốn, bạn hãy bán những gì bạn có thể”, khiến vàng và bạc-kim loại trú ẩn an toàn- không tăng giá trong thời kỳ bất ổn địa chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục thì tâm lý nhà đầu tư có thể nhanh chóng chuyển sang vàng với nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán “hoảng loạn”.
Dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây của Hoa Kỳ đã nhanh chóng làm dấy lên nỗi lo suy thoái. Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tiếp tục giảm. Thị trường hiện định giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong tuần tới ở mức 60%.
Giáo sư danh dự về tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania Jeremy Siegel chia sẻ với CNBC rằng, FED cần thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp 0,75% trong tuần này và cắt giảm lãi suất thêm 0,75% tại Cuộc họp Ủy ban Thị trường mở FOMC vào tháng 9 tới.
Dù thị trường vừa chứng kiến phiên giảm mạnh của kim loại quý, các chuyên gia vẫn cho rằng, về trung và dài hạn, các yếu tố như bất ổn kinh tế và chính trị dai dẳng cũng như kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ, giúp vàng lấy lại đà tăng nhanh chóng.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index tiếp tục giảm xuống 102,8 điểm, chạm mức thấp nhất 5 tháng; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 3,829%, giảm khoảng 1% kể từ mức cao nhất vào tháng 4; chứng khoán Mỹ “lao dốc”, giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm khi nỗi lo suy thoái bủa vây; giá dầu ổn định sau khi chạm mức thấp nhất 6 tháng, giao dịch ở mức 77,25 USD/thùng đối với dầu Brent và 74,14 USD/thùng đối với dầu WTI.