Người dân tộc Sán Dìu ở Vân Đồn có một kho tàng văn học dân gian đặc sắc, đa dạng về cả nội dung và thể loại, phản ánh hệ thống tri thức dân gian.
Ở Vân Đồn, dân tộc Sán Dìu là một trong 14 thành phần dân tộc của huyện, có dân số đứng thứ 2 sau người Kinh, với gần 5.000 người, sống tập trung chủ yếu ở xã Bình Dân. Họ là người dân tộc thiểu số sống lâu đời và đông đúc nhất tại đây. “Với đặc trưng đó, cộng đồng người Sán Dìu ở đây còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo. Trong đó, văn học dân gian mang đầy đủ màu sắc, đặc trưng nhất và cả những nét đặc thù vùng miền, thể hiện rõ nét văn hóa người Sán Dìu”- Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Sán Dìu Việt Nam nhận định.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, tính quần tụ cao, đời sống kinh tế, có thêm yếu tố biển… của cộng đồng của người Sán Dìu được ổn định. Nhờ đó mà các giá trị văn hóa, đặc biệt văn học dân gian thuận lợi hơn trong việc phát triển, lưu giữ được kho tàng giá trị, đa dạng, phong phú.
Trước tiên đó là truyện kể dân gian của người Sán Dìu ở Vân Đồn, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, xoay quanh lý giải các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc dân tộc, việc chinh phục tự nhiên. Trong đó, phong phú hơn cả là truyền thuyết với các tác phẩm: Quả bầu, sự tích 100 họ lý giải về nguồn gốc dân tộc. Truyện cười gồm có truyện cười đơn lẻ và kết chuỗi (tiêu biểu là truyện Trạng Hít…). Trong chuyện kể dân gian, ngoài truyện cổ tích thì thần thoại, truyền thuyết thường có cốt truyện đơn giản, ít sự kiện, ít chi tiết, thể hiện cách lý giải còn thô sơ, mộc mạc.
Trong kho tàng văn học dân gian, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, phương ngôn của người Sán Dìu khá phong phú, giàu sắc màu, đúc kết kinh nghiệm quý báu ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong kho tàng này trọng tâm lưu truyền nhiều câu nói chỉ dạy con cháu kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp, đạo hiếu… được diễn đạt ngắn gọn, mộc mạc và dễ hiểu. Đơn cử kinh nghiệm canh tác, đúc kết về thời tiết trực quan, sinh động, cụ thể như: “Tết tháng 3 (Thanh minh) cày vỡ ruộng”, “Tháng bảy giồng tỏi/ Tháng chín giồng hành”, “Tết tháng 5 (mùng 5 tháng 5 âm lịch) phải reo mạ xong”, hoặc: “Măng tháng chín mọc ở giữa búi là rét/ Mọc ở bên ngoài thì trời nóng”, “Cóc xuống ao, nắng ấm ba ngày/ Cóc lên bờ, rét bảy ngày”… Bên cạnh đó còn kho tàng khá phong phú lời răn dạy về kinh nghiệm sống, đạo hiếu của con cái…
Một trong những nét đặc sắc và còn được lưu giữ khá tốt của người Sán Dìu ở đây là kho tàng thơ ca dân gian. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu đi thực tế phát hiện, sưu tập qua trí nhớ và truyền miệng của người già, nghệ nhân dân gian, gồm: Hát đám cưới, hát trong đám ma, hát ru… Ngoài ra, còn những lời ca tiếng hát ru em, hát ca ngợi lao động, sản xuất; hát nghỉ chân, hát bên gốc cây, giếng nước…
Đặc sắc nhất là hát đối đáp giao duyên (soọng cô), còn khá phong phú do được lưu giữ lại bằng chữ viết sáng tạo riêng của người Sán Dìu: Chữ Nôm – Sán Dìu. Đây là lối hát đối đáp theo thể thất ngôn tứ tuyệt… theo lối hát ngân, hơi cao, với nhiều âm luyến láy. Nội dung hát rất phong phú, đề cập tới tình yêu, quê hương đất nước, ca ngợi tổ tiên, chúc phúc…
Lối hát cộng đồng này có môi trường diễn xướng khá tự do về không gian, thời gian. Nhưng điển hình nhất vẫn là tổ chức hát vào mùa thu, trong nhà, quây quần bên bếp lửa hồng, mang tính chất giao duyên, trữ tình, ấm áp bên bếp lửa càng tô đậm tình cảm thân ái… Thông thường cuộc hát gồm các bước hát như: Hát làm quen, chào hỏi, mời uống nước ăn trầu, tâm tình nam nữ đôi bên, hát sang canh gà gáy và hát chia tay…
Với soọng cô, hát trở thành món ăn tinh thần, hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xóm tốt đẹp, có ý nghĩa to lớn với xây dựng đời sống, mối quan hệ tình cảm cộng đồng tốt đẹp. Ngoài ra, người dân tộc Sán Dìu ở Vân Đồn còn lưu giữ các hình thức văn học dân gian khác như: Câu đố, câu đối, truyện thơ… Tuy nhiên, điều cần quan tâm bảo tồn và phát huy hơn nữa bởi kho tàng văn học dân gian của người Sán Dìu ở đây đã bị mai một, phai nhạt do phần nhiều chỉ được truyền miệng cùng quá trình phát triển, đô thị hóa, hòa cùng nhịp sống hiện đại.