Theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Mặc dù vậy, lĩnh vực này cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
Trong thời gian qua, phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm.
Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, Báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng…
Ước tính 6 tháng gần đây, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 11 toàn cầu về số lượng lượt tải ứng dụng di động và thứ hạng 31 toàn cầu về doanh thu thanh toán qua ứng dụng.
Mặc dù việc tải xuống các ứng dụng miễn phí giảm, tuy nhiên Việt Nam lại ghi nhận xu hướng gia tăng tải xuống các ứng dụng trả phí với số liệu tăng trưởng tăng 11% so với cùng kỳ 06 tháng trước.
7 ứng dụng Việt Nam có trên 10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 18,92% số ứng dụng thuộc nhóm này); 10 ứng dụng có từ 5-10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 23,81% số lượng ứng dụng nhóm này) và 43 ứng dụng có từ 1-5 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 24,02% số lượng ứng dụng nhóm này).
Bên cạnh đó, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23%.
Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỷ USD; 6 tháng 2024: 6 tỷ USD); xuất khẩu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD; 6 tháng 2024 đạt gần 3 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Số hóa các ngành kinh tế, công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và triển khai Hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc (xử lý 8,8 tỷ hóa đơn).
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chuyển đổi số. Tính đến 28/6/2024, số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình là 1.233.336 lượt, tăng 14% so với cuối năm 2023; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 338.239 doanh nghiệp, tăng 68,3% so với cuối năm 2023.
Phát triển kinh tế số đang gặp khó khăn nào?
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Tiếp tục hoàn thiện các đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ: Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn Khung Chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thành công Phiên họp chuyên đề về kinh tế số của UBQGCĐS với chủ đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.
Ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành để phát triển, đưa vào sử dụng các nền tảng số quốc gia. Tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn đo lường kinh tế số tại địa phương.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế số, xã hội số, đó là khó khăn trong việc đo lường kinh tế số. Hệ sinh thái các nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực còn yếu và thiếu.
Mặt khác, thiếu các luật, quy định pháp lý về quyền sở hữu dữ liệu, quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, tiết lộ dữ liệu của Chính phủ… để dữ liệu có thể trao đổi, giao dịch; người dân ở nông thôn còn thiếu kỹ năng số. Nguy cơ tấn công mạng diễn ra ngày càng phức tạp trong khi nhiều người dân chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng số đầy đủ.
Theo đó, về giải pháp, cần hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng dữ liệu: Xây dựng phương pháp đo lường, tính toán tỷ trọng kinh tế số. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, địa phương để hình thành nguồn dữ liệu chất lượng cao. Thúc đẩy phát triển và đưa vào sử dụng các nền tảng số quốc gia, ngành, lĩnh vực.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Hình thành bộ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp dựa trên đánh giá mức độ chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu theo ngành. Xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương, hỗ trợ khu/cụm công nghiệp và nhà máy thông minh.
Đồng thời, phát triển các ứng dụng số, nghiên cứu mô hình kinh tế số theo ngành. Ban hành tài liệu nâng cao kỹ năng số cho người dân nông thôn. Tổ chức Diễn đàn quốc gia và các phiên họp chuyên đề về kinh tế số. Chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thành công và phổ biến mô hình phát triển kinh tế số…
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng từng bước hoàn thiện lý luận về kinh tế số của Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn (Làng số).
Bên cạnh đó, hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên; Kế hoạch phát triển kinh tế số – xã hội số giai đoạn 2024-2025; xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình phát triển Mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, các chuyên gia thuộc mạng lưới được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng; tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển Kinh tế số Việt Nam xã hội số lần thứ 2…