Thời gian qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) luôn được Cục THADS tỉnh chú trọng thực hiện. Qua đó góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, đồng thời giúp các cơ quan THADS kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, thiếu sót, từ đó nâng cao hiệu quả các mặt công tác.
Ông Hoàng Đức Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: Xác định công tác kiểm tra, tự kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm Cục đều ban hành, chủ động triển khai nghiêm túc các kế hoạch kiểm tra công tác THADS, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cục và các chi cục ban hành quyết định, kế hoạch tự kiểm tra tại đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị trong hệ thống THADS tỉnh theo đúng các nội dung của quy chế kiểm tra trong THADS. Thủ trưởng các đơn vị đánh giá và chịu trách nhiệm đối với kết quả tự kiểm tra, rà soát của các công chức thuộc quyền quản lý.
Nội dung kiểm tra tập trung tiến độ giải quyết án, việc thực hiện các trình tự, thủ tục về THADS và việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã giao cho các chi cục và các chấp hành viên; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo… Chú trọng kiểm tra các vụ việc trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc có số tiền phải thi hành lớn, các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng 1 năm chưa thi hành xong.
Theo đánh giá, nhìn chung, các đơn vị thực hiện khá tốt, đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả thi hành án dân sự, đổi mới trong quản lý điều hành; quan tâm chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; xác minh phân loại án chính xác; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong giải quyết án…
Cũng thông qua kiểm tra tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của CBCC trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ, những hạn chế. Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kịp thời kiến nghị, đề xuất một cách toàn diện, giúp lãnh đạo Cục, các chi cục nắm rõ tình hình, thực trạng công tác. Từ đó đưa ra các giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác THADS thời gian tới, bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chung của toàn hệ thống.
Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ luôn được lãnh đạo Cục coi trọng, triển khai kịp thời, góp phần xử lý có hiệu quả những vụ án lớn hoặc có khó khăn, vướng mắc. Cục yêu cầu trưởng các phòng chuyên môn, chi cục trưởng các chi cục tiếp tục phổ biến, quán triệt đến toàn thể CBCC trong đơn vị để thống nhất tổ chức thực hiện các nội dung của quy trình hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ hệ thống THADS, quy trình tổ chức thi hành án và quy trình tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án. Từ tháng 10/2022 đến hết tháng 3/2024, Cục đã tiếp nhận 9 văn bản xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của các chi cục. Các văn bản đều được xem xét, giải quyết, trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định.
Từ tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2024, các đơn vị trong hệ thống thi hành án đã tiếp nhận 14.532 việc, trong đó 13.313 có điều kiện thi hành. Các đơn vị đã giải quyết xong 11.252 việc, tương ứng với trên 983 tỷ đồng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính từ Cục đến các chi cục được siết chặt; các mặt công tác khác được thực hiện tốt, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.