Quảng Ninh hiện phát triển khá nhiều chợ phiên vùng cao. Các phiên chợ đã trở thành các điểm đến hấp dẫn người dân và du khách. Các chợ phiên ở các xã vùng cao, khó khăn như Hà Lâu (huyện Tiên Yên), Quảng An (huyện Đầm Hà), Đồng Văn (huyện Bình Liêu)… đã góp phần giảm nghèo và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương.
Tuy các xã đến nay đã xoá hết hộ nghèo theo tiêu chí trung ương, nhưng điều đặt ra làm thế nào để người dân không tái nghèo? Một trong những giải pháp là phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của nhân dân. Theo đó, nhiều xã đã mở rộng các chợ phiên để thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, mua sắm. Qua đó giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất theo quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn để phục vụ du khách.
Thành công nhất phải kể đến xã Quảng An (huyện Đầm Hà) với Chợ phiên Ba Nhất mở hằng tháng. Chợ phiên có vài chục gian hàng của người dân bản địa. Các sản phẩm mang đến chợ phiên đều do người dân địa phương làm ra, như: Mật ong rừng, gừng, địa liền, gà bản, thịt trâu, măng rừng, bánh chưng dài, bánh coóc mò, lá tắm, gạo nếp…
Hộ chị Na Thị Lâm (thôn Tầm Làng, xã Quảng An) đã thoát nghèo nhiều năm nay. Chị Lâm trồng 5ha cây quế; trồng xen sắn, khoai sọ, củ từ dưới tán rừng quế; trồng nhiều loại hoa khu vực gần nhà. Trước đây cũng rừng, đồi ấy, chị Lâm gần như không trồng cây gì, vì trồng ăn không hết, bán không ai mua, vì nhà ai cũng trồng. Nay xã mở chợ phiên, chị mang hàng hóa ra chợ, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Nhiều du khách mua cả chục cân khoai sọ, củ từ, còn hẹn ngày quay lại, nhớ để lại hàng cho khách.
Chợ phiên còn giúp người dân giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình. Xã Quảng An đã thành lập CLB May thêu trang phục dân tộc Dao với 16 thành viên. Từ khi có chợ phiên, CLB bán được các sản phẩm của mình, quảng bá đến du khách.
Xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) có chương trình Chợ phiên văn hóa vùng cao, diễn ra vào chủ nhật cuối cùng của tháng, với nhiều hoạt động vui mang bản sắc dân tộc, như giao lưu Sài Mả giữa những người đàn ông trong xã. Đây là môn chơi của người Tày (chiếm 29% dân số ở Hà Lâu), tạo nhiều tiếng cười sảng khoái, được bà con đón nhận nhiệt tình.
Chợ phiên còn là nơi để bà con trình diễn các làn điệu của dân tộc mình. Người Sán Chỉ hát Soóng cọ, người Tày hát Then, người Dao hát Sán Cố. Từ các chợ phiên, bà con hào hứng hơn thành lập các CLB hát các làn điệu dân tộc mình. Ông Lý Ngọc Xuân, thành viên CLB Hát Then xã Hà Lâu, cho hay: Các làn điệu Then đã theo chúng tôi từ khi còn bé thơ, gắn với tuổi thanh xuân của bao người. Cái đẹp của văn hóa đó được chúng tôi mang đến chợ phiên, giúp người đến chợ thêm vui, không quên văn hóa của người Tày vốn rất phong phú.